(Ảnh minh họa)
THCL Với tỷ lệ nội địa hóa thấp như hiện nay, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam được cho là sẽ khó có thể cạnh tranh và phát triển so với các nước khác.
Đó chính là câu chuyện được đưa ra bàn luận mạnh mẽ tại tọa đàm “phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam” do Bộ Công Thương phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.
Hiện nay, tác động của các chính sách tới ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam là tương đối rõ ràng, số lượng xe của năm 2016 về cơ bản đã vượt so với định hướng, theo chiến lược đến năm 2020. Tuy nhiên tỷ lệ nội địa hóa theo quy hoạch vẫn tương đối thấp, theo định hướng đưa ra là đến năm 2020 nội địa hóa đạt 40%, đến năm 2025 đạt 45%. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ nội địa hóa xe con khoảng 10 - 20%, xe buýt hơn 30%, xe tải ở mức 40%.
Qua số liệu trên có thể thấy khoảng cách đạt tiêu chí về nội địa hóa để hưởng ưu đãi trong khung thuế quan FTA, TPP thì các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần phải cố gắng nhiều, cùng với đó sự định hướng rõ ràng từ phía nhà nước.
Đứng trước thách thức lớn của ngành công nghiệp này, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết do ngành công nghiệp ô tô luôn được xác định là ngành tạo ra động lực phát triển cho các ngành khác và là giải pháp giảm nhập khẩu nên cần phải xác định rõ các câu hỏi: sản xuất cái gì, sản xuất cho ai và sản xuất thế nào và phải do thị trường quyết định.
"Rõ ràng việc tạo ra thị trường để doanh nghiệp có mục tiêu sản xuất là điều cần thiết nhất. Việt Nam phải nỗ lực để vươn ra bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp ô tô", Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng nhận định.
Nhìn nhận vấn đề một cách sâu rộng hơn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá trong điều kiện ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang ở mức yếu, điều kiện kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc nên thách thức sẽ nhiều hơn. Bởi lẽ, khi các hàng rào thuế quan về 0%, chỉ còn thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng cho xe nhập khẩu, khi đó nếu chính sách không hài hòa cân bằng lợi ích giữa thu ngân sách - lợi nhuận của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ không chỉ thua trên "sân khách" mà còn có thể bại trên chính "sân nhà". Đây chính là điểm bất lợi lớn của ngành ô tô trong nước.
Tuy nhiên, ông Long cũng khẳng định cửa vẫn sáng cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Những vấn đề ưu đãi đã chi tiết hơn với từng dự án cụ thể (tập trung phát triển dòng xe cá nhân, giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe ưu tiên phát triển, tăng thuế với dòng xe tốn nhiên liệu…) chứ không còn ưu đãi đồng đều như trước. Việc lựa chọn sản xuất, lắp ráp hay nhập khẩu xe nguyên chiếc sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp.
"Ngoài ra, việc giảm thuế giúp giảm giá bán xe, kích cầu thị trường cũng sẽ tác động tích cực tới chính ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Thị trường mở rộng sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất linh kiện, phụ tùng. Từ đó dần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe được lắp ráp ở Việt Nam", ông Long nhận định.
Theo Một Thế Giới