Giữ vững dòng điện trước mưa bom, bão đạn (1920 - 1972)
Công ty Điện lực Quảng Ninh ngày nay có bề dày lịch sử và tinh thần cống hiến, luôn tự hào đi lên cùng với truyền thống của ngành điện và đất nước, được kế thừa truyền thống đấu tranh và phát triển của các thế hệ cán bộ lão thành, các thế hệ người công nhân Nhà máy điện Cột 5 nói riêng và giai cấp công nhân vùng mỏ nói chung với truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm”.
Cụ thể, từ năm 1920 - 1926, Pháp tiến hành xây dựng Nhà máy điện Cột 5 nhằm có điện phục vụ cho việc khai thác than của chủ nghĩa thực dân, đưa về làm giàu cho chính quốc. Tại thời điểm này, Nhà máy chỉ có 7 lò hơi loại nhỏ 4 tấn/giờ và 4 tổ máy phát điện có công suất 1.000kW/máy với tổng công suất lắp đặt ban đầu là 4.000kW. Đến năm 1939, Pháp tiến hành lắp thêm 2 lò hơi loại 7 tấn/giờ và 1 máy phát điện 4.000kW, qua đó nâng tổng công suất lắp đặt lên 8.000kW. Hệ thống lưới điện sau Nhà máy gồm 4 máy biến áp, loại 1.250 kVA và gần 40 km đường dây 30kV.
Đội ngũ công nhân Nhà máy điện Cột 5 lúc bấy giờ có khoảng 150 người và đại đa số làm lao động nặng nhọc như đẩy xỉ, xúc than đốt lò. Số công nhân kỹ thuật được lấy từ Hải Phòng, Nam Định hoặc các trường dạy nghề khác. Lực lượng cai ký, đốc công được Pháp đào tạo tại nơi khác để làm tay sai đắc lực. Năm 1953, nhu cầu khai thác than ngày càng lớn, do đó chủ nhà máy đã mua thêm thiết bị từ Pháp sang và lắp thêm máy 6.000 kW, nâng tổng công suất của Nhà máy lên khoảng 14.000 kW nhằm mục đích cung cấp điện cho việc khai thác than khu vực Hòn Gai, Cẩm Phả.
Giai đoạn từ năm 1954 - 1965, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã đi đến thắng lợi cuối cùng bằng chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ. Hòa bình được lập lại tại miền Bắc nước ta. Từ người công nhân bị áp bức nô lệ dưới ách thực dân đế quốc, nay những người công nhân Nhà máy điện Cột 5 phấn khởi, đem hết sức mình đóng góp vào việc ổn định và phát triển nguồn điện cho việc khai thác than phục vụ phát triển đất nước.
Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm, đội ngũ những người công nhân điện Cột 5 đã duy trì vận hành, đảm bảo dòng điện được tỏa sáng ngày đêm. Đặc biệt, để phục vụ cho nhu cầu phát triển, giai đoạn từ năm 1961 - 1965, Nhà nước đã tăng cường đầu tư cho ngành điện. Một số nhà máy do Liên Xô giúp đỡ đã được xây dựng thêm và các tuyến đường dây 110kV đã được hình thành tại Quảng Ninh như: Tuyến đường dây 110kV Uông Bí - Mông Dương và TBA 110kV Mông Dương.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Địch đến ta đánh, địch đi ta lại sản xuất”, mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, tập thể CBCNV Nhà máy điện Cột 5 vẫn vững vàng bám máy, bám lò, giữ vững dòng điện thân yêu tỏa sáng trên các bến cảng, hầm mỏ Quảng Ninh.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, đầu năm 1973, Bộ Điện và Than và Công ty Điện lực miền Bắc đã cho giải thể nhiệm vụ của Nhà máy và chuyển thành Sở Quản lý Điện Quảng Ninh. Từ đây, những người công nhân Nhà máy điện Cột 5 chính thức bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Nền móng của sự phát triển (1973-1986)
Ngày 11/8/1973, Bộ trưởng Bộ và Điện Than ký quyết định thành lập Sở Quản lý phân phối điện khu vực 5 (Quảng Ninh). Ra đời trong bối cảnh đất nước đang quyết tâm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sở Quản lý phân phối điện Quảng Ninh có 3 chi nhánh, 2 TBA 110kV, 1 phân xưởng, 3 đội sản xuất và 11 phòng ban nghiệp vụ với số lượng CBCNV trên 400 người.
Có thể nói, giai đoạn này được coi là khó khăn, gian khổ nhất đối với ngành điện địa phương. Bởi hầu hết lưới điện được xây dựng từ thời Pháp thuộc, lại cộng thêm việc đế quốc Mỹ leo thang, đánh phá miền Bắc ác liệt đã phá hủy đi nhiều nhà cửa, công trình phúc lợi. Trong đó, lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là một trong những trọng tâm bắn phá của bom đạn Mỹ.
Nhưng với khẩu hiệu “trái tim người thợ điện còn đập, dòng điện không thể tắt”, tập thể CBCNV-NLĐ Sở Quản lý phân phối điện Quảng Ninh đã quyết tâm bảo vệ lưới điện thông suốt, cung cấp điện kịp thời cho quân và nhân dân chiến đấu, sản xuất, học tập, cũng như phục vụ tưới tiêu và sản xuất công, nông nghiệp.
Cùng với đó, bên cạnh việc phải ngày đêm kiên trì bám máy, bám đường dây dưới bom đạn của đế quốc Mỹ, những người thợ điện Quảng Ninh còn phải thắt lưng buộc bụng, triệt để tiết kiệm, dành từng hạt gạo, cân ngô để chi viện cho tiền tuyến đánh giặc ngoại xâm. Nhiều CBCNV, thanh niên ngành điện không chỉ dũng cảm trong sản xuất, chiến đấu bảo vệ lưới điện mà còn làm đơn tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Quảng Ninh và thắp lên ngọn lửa anh hùng trên mảnh đất quê hương.
Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất một nhà, cả nước bước vào thời kỳ “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhằm đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN”… các CBCNV-NLĐ Sở Quản lý phân phối Điện Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực, duy trì dòng điện tỏa sáng khắp vùng biên cương, góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Với thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, do đó, nhiệm vụ chính của ngành điện là phục vụ cho sản xuất công nghiệp khai thác, nông nghiệp, một số ngành tiểu thủ công nghiệp và ánh sáng sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, Sở Quản lý Điện Quảng Ninh đã tập trung củng cố công tác tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn cho CBCNV, nhất là công nhân kỹ thuật để quản lý, vận hành lưới điện nhằm phục vụ tốt chiến lược phát triển KT-XH địa phương.
Mặt khác, ngành Điện Quảng Ninh cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ của Công ty Điện lực I (nay là Tổng công ty Điện lực miền Bắc) để xây dựng thêm hàng trăm trạm biến áp và nhiều tuyến đường dây, qua đó đã tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh. Cũng chính bởi vậy, sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh trong giai đoạn này năm sau luôn cao hơn năm trước (sản lượng điện thương phẩm năm 1973 là xấp xỉ 100 triệu kWh và đã tăng lên 150 triệu kWh vào năm 1985).
Trong đó, điện phục vụ công nghiệp tăng trưởng không ngừng và điện dành cho ánh sáng sinh hoạt của người dân luôn được đảm bảo với chất lượng tốt, đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.
Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, trong đó đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tập trung mở cửa, xóa bỏ cơ chế quản lý bao cấp, ngành điện Quảng Ninh đã mạnh dạn chuyển hướng tập trung đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ, phát triển thêm hệ thống các đường dây và trạm biến áp nhằm nâng cao chất lượng điện năng, hạn chế sự cố mất điện, từng bước giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tối đa nhu cầu về điện phục vụ cho phát triển KT-XH địa phương.
Đặc biệt, dưới ánh sáng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng về phát triển KT-XH miền núi, được sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Công ty Điện lực I, Điện lực Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng và đưa vào vận hành TBA 110kV Giếng Đáy và một nhánh đường dây 110kV với dung lượng 16.000kVA nhằm cung cấp điện ổn định cho khu du lịch và công nghiệp Bãi Cháy. Đồng thời, 1 TBA 110kV với dung lượng 16.000 kVA được xây dựng tại thị xã Cẩm Phả được đưa vào vận hành đã góp phần chống quá tải khu vực thị xã Cẩm Phả, cũng như tránh quá tải cho TBA 110kV Mông Dương.
Hoàn thiện lưới điện để phát triển bền vững (1986 - 2010)
Giai đoạn này, ngành điện Quảng Ninh có nhiều bước đổi mới về cơ chế quản lý, trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Cuối năm 2009, ngành điện Quảng Ninh hoàn thành việc tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng số 101 xã thực hiện bàn giao; Với 427 TBA; 71,326 km đường trung thế; đường dây hạ thế tiếp nhận 1579,13 km và 107.737 công tơ. Sau khi tiếp nhận, ngành điện Quảng Ninh đã tiến hành thay thế công tơ, sửa chữa tối thiểu lưới điện để bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 2.721, 151 km đường dây trung thế; 15.193,94 km đường dây hạ thế và 1.939 trạm biến áp. Nhờ vậy, đến hết năm 2010, lưới điện quốc gia phủ kín toàn tỉnh, các hộ ở các thôn bản vùng sâu xa nhất của tỉnh Quảng Ninh đã được sử dụng điện lưới quốc gia.
Lưới điện được củng cố và hoàn thiện đã kéo theo nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng cao. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển KT-XH cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân và dịch vụ du lịch, cộng đồng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã được cấp điện, trong đó có hàng nghìn khách hàng có nhu cầu sử dụng điện lớn. Tính đến cuối năm 2010, sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh đã đạt 1,7 tỷ kWh, với khoảng 61 % sản lượng điện dành cho khách hàng khối công nghiệp. Điều này đã mở ra một triển vọng tươi sáng thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phát triển lưới điện đồng bộ, hoàn thành toàn diện nhiệm vụ được giao (2010 đến nay)
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trên địa bàn đang rất sôi động về đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp và dịch vụ du lịch, nên Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tập trung rà soát lại các quy hoạch phát triển công nghiệp và những khu vực có nhiều tiềm năng để có kế hoạch, phương án phát triển lưới điện đồng bộ theo đúng phương châm “điện đi trước một bước”.
Mặt khác, Công ty cũng tiếp tục chủ động nâng cấp lưới điện hiện có nhằm hạn chế sự cố, giảm tổn thất điện năng. Trong đó, quyết liệt xử lý với các hành vi trộm cắp điện nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, phát triển KT-XH của địa phương và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu SXKD của ngành.
Ngày 14/4/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ra quyết định đổi tên các Điện lực trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (Công ty Điện lực 1 cũ), Điện lực Quảng Ninh được đổi tên thành Công ty Điện lực Quảng Ninh, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Đây được coi là bước ngoặt mới, ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của Công ty trên chặng đường dài xây dựng và trưởng thành.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng công ty và chính quyền địa phương, Công ty đã thực hiện chiến lược đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, chủ động thu xếp và huy động nguồn vốn để phát triển nhiều dự án điện, trong đó, xây dựng thêm nhiều đường dây và TBA 110kV ở những khu vực trọng tâm về sản xuất công nghiệp, đặc biệt là những huyện có nhiều khu, cụm cộng nghiệp và trung tâm du lịch. Chỉ riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, Công ty đã nỗ lực kêu gọi các nguồn lực đầu tư, cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn. Hàng loạt dự án cải tạo lưới điện được triển khai dưới hình thức vốn vay DEP 1, DEP 2, ADB, KFW… để cải tạo cho hàng nghìn km đường dây lưới điện hạ áp đạt chuẩn.
Mặt khác, Công ty cũng kết hợp với nguồn vốn của UBND các huyện trong việc mua sắm cột, ngành Điện đầu tư dây dẫn, đồng thời nỗ lực cải tạo thêm được hàng trăm km đường dây đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn tối thiểu trong dân. Đặc biệt, các dự án đưa lưới điện đến các thôn/bản và dự án đưa điện ra 5 xã đảo của huyện đảo Vân Đồn, đảo Cô Tô, đảo Cái Chiên, đảo Trần của tỉnh Quảng Ninh cũng đã được hoàn thành. Qua đó, đã nâng tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,95% và đạt tỷ lệ số hộ dùng điện lưới cao nhất cả nước.
Trong giai đoạn này, Công ty đã thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sự phát triển KT-XH và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết thúc các kế hoạch 5 năm 2010 - 2015 và 2016 - 2020, Công ty Điện lực Quảng Ninh đều hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty giao về: Tổn thất điện năng; Giá bán điện bình quân; Doanh thu tiền điện; Điện thương phẩm; Công tác dịch vụ khách hàng; Cơ chế một cửa; Quản lý chất lượng đầu tư xây dựng; Sửa chữa lớn... lưới điện được đầu tư, nâng cấp đảm bảo cấp điện trên địa bàn.
Đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh có 11 Điện lực trực thuộc và 1 Đội Quản lý vận hành lưới điện 110 kV, đang quản lý vận hành 19 TBA 110 kV với tổng công suất đặt là 1.578 MVA; 865,63 km đường dây 110 kV; 3.265,2 km đường dây trung thế; 10.404 km đường dây hạ thế và 2.996 TBA phân phối có công suất 1.054 MVA, đảm bảo cung cấp đầy đủ điện năng phục vụ khách hàng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, dấu ấn về nâng cao năng lực hệ thống và hiện đại hóa lưới điện đã được Công ty Điện lực Quảng Ninh thể hiện rõ nét. Theo đó, Công ty đã đưa các TBA 110kV theo hướng vận hành không người trực; Phát triển đồng bộ các xuất tuyến trung áp; Ứng dụng đa chia - đa nối lưới điện; Bổ sung các thiết bị bảo vệ, phân đoạn, tự động hóa mạch vòng trung áp, giám sát điều khiển xa các điểm recloser/LBS; Thi công sửa chữa, đấu nối công trình bằng phương pháp hotline đến cấp điện áp 22 kV không làm mất điện phụ tải; Trang bị các thiết bị hiện đại như flycam, camera nhiệt, đo phóng điện cục bộ PD, nâng cao hiệu quả kiểm tra lưới điện…
Chính bởi tập trung đầu tư, phát triển mạnh mẽ lưới điện nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã khắc phục được tình trạng quá tải. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm mạnh và giảm từ 7,59% (năm 2010) xuống chỉ còn 2,59% (năm 2022); Tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn Công ty tăng từ 1,7 tỷ kWh (năm 2010) lên mức 5,4 tỷ kWh (năm 2022); Doanh thu tiền điện năm 2022 đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với năm 2010.
Với phương châm “Lấy khách hàng là trung tâm”, từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ vào công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng. Các loại hình về dịch vụ điện, hóa đơn tiền điện điện tử, các yêu cầu của khách hàng… được tiếp nhận qua các kênh trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, nhằm đem đến sự hài lòng của khách hàng.
Đặc biệt, từ năm 2013, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã thành lập Trung tâm Chăm sóc khách hàng với tổng đài chăm sóc khách hàng 19006769, mọi yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận và giải quyết một cách nhanh chóng với trình tự, thủ tục, chi phí cung cấp dịch vụ điện… được công khai, minh bạch.
Năm 2017, Công ty Điện lực Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước đưa việc cung cấp các dịch vụ điện ra Hành chính công các cấp, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, được các ngành, các cấp chính quyền địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc và nhân dân đánh giá cao. Mặt khác, thông qua quá trình chuyển đổi số, Công ty đã hợp tác với các ngân hàng, cùng các tổ chức trung gian trên địa bàn tỉnh thực hiện thu hộ tiền điện để triển khai các kênh thanh toán trên nền tảng internet và các ứng dụng thanh toán điện tử khác.
Điều này, đã tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng thanh toán tiền điện và chi phí các dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, để các thông tin của ngành Điện đến được với khách hàng một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ nhất, Công ty đã công khai các dữ liệu về chỉ số công tơ, điện năng sử dụng, tiền điện trên hệ thống mạng, cũng như triển khai nhắn tin qua Zalo, SMS đến khách hàng. Hàng tháng, khách hàng sẽ nhận được thông báo chỉ số công tơ và thông báo tiền điện, lịch ngừng cung cấp điện, tư vấn cách sử đụng điện an toàn, tiết kiệm…
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển SXKD, trong những năm qua, Công ty còn dành sự quan tâm đặc biệt tới việc nâng cao hiệu quả lãnh đạo quản lý; Ưu tiên hàng đầu là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCNV; Hoàn thiện hệ thống các quy chế về cán bộ, tiền lương, thi đua khen thưởng…
Bộ máy điều hành từ Công ty xuống các Điện lực được củng cố, hoàn thiện; Cơ sở vật chất của các Điện lực thành viên đều khang trang, trang thiết bị làm việc được trang bị đầy đủ đã giúp cho người lao động có được môi trường lành mạnh và đoàn kết; Đời sống việc làm của người lao động được đảm bảo với mức thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước; hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn thể từng bước đi vào nề nếp hơn, hàng năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Đặc biệt, toàn Công ty đang không ngừng nỗ lực thực hiện thành công chủ đề năm 2023 là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra.
Thời gian tới, Công ty Điện lực Quảng Ninh tiếp tục phấn phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu SXKD giai đoạn từ nay đến năm 2025, với một số chỉ tiêu chính, như:
Sản lượng điện thương phẩm bình quân tăng trên 10 %/năm và ước đạt khoảng 6,170 tỷ kWh vào năm 2025; tỷ lệ tổn thất điện năng ≤ 2,87%; thời gian ngừng cấp điện trung bình của lưới điện (SAIDI) ≤ 342 phút; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, hiện đại hóa lưới điện; phát triển lưới điện trung áp vừa đảm bảo khả năng dự phòng truyền tải, cũng như khả năng liên kết theo tiêu chí N-1;
Nâng cấp lưới trung áp có độ tin cậy và chất lượng điện năng cao tại các khu vực phụ tải quan trọng, phụ tải ưu tiên, các khu cụm công nghiệp, khu vực dân cư tập trung và khu du lịch; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đặc biệt là chuyển đổi số trong quản lý lưới điện, kinh doanh, dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo bước đột phá trong công tác quản trị của Công ty giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 -2030, hướng tới 2045.
Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, có thể thấy một điều xuyên suốt đó là dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, trong mưa bom bão đạn của thời kỳ chiến tranh, hay những nhọc nhằn, khó khăn của một thời bao cấp và cả trong giai đoạn cơ chế kinh tế thị trường đầy cạnh tranh khốc liệt, lớp lớp các thế hệ CBCNV-NLĐ Công ty Điện lực Quảng Ninh vẫn mang trong mình một bầu nhiệt huyết, tất cả vì dòng điện quê hương tỏa sáng.
Sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh hôm nay đều có những đóng góp hết sức quan trọng của ngành điện nói chung và Công ty Điện lực Quảng Ninh nói riêng. Cũng chính nhờ những đóng góp to lớn này, Công ty đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý:
Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều lần được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh. Đây chính là nguồn động viên quý giá để tập thể lãnh đạo và CBCNV Công ty Điện lực Quảng Ninh tiếp tục vững bước trên những chặng đường tiếp theo, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của ngành điện Việt Nam và đóng góp tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngọc Lan