Hiện cả nước có trên 12.500 doanh nghiệp có hoạt động mua bán chế tác vàng bạc và trên 5.000 hộ, cá nhân gia công vàng. 100% các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử. 

Để ổn định thị trường vàng, Nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp quản lý, nhất là việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý nhằm tránh thất thu thuế và tạo môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh.

Mới đây, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua - bán vàng. 

Theo đó, sau ngày 15/6/2024, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép. 

Ngay sau đó, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản về các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng và các bộ, ban, ngành, địa phương đều có nhiều động thái thể hiện sự vào cuộc thiết lập trật tự trên thị trường vàng.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã có các văn bản chỉ đạo, yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. 

Đơn cử, ngay sau khi nhận được chỉ đạo trên, Cục Thuế Bắc Giang đã yêu cầu các phòng, các chi cục thuế khu vực tổ chức quán triệt nghiêm túc và khẩn trương triển khai thực hiện tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý. Đơn vị này đã thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế như: sử dụng các tiêu chí có điểm rủi ro cao khi lập kế hoạch kết hợp với nguồn tin, dữ liệu của ngành Thuế và các thông tin thu thập từ bên thứ ba để phân tích các yếu tố rủi ro, từ đó xác định nội dung cần tập trung thanh tra, kiểm tra thuế; Đồng thời, xây dựng phương án triển khai công tác thanh tra, kiểm tra linh hoạt, tăng cường triển khai và đẩy mạnh trao đổi thông tin, dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế thông qua phương thức giao dịch điện tử giữa cơ quan thuế và người nộp thuế.

Ảnh internet.
Cục Thuế địa phương vào cuộc siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Ảnh internet.

Một trường hợp điển hình khác là Cục Thuế Quảng Ngãi, đơn vị đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo triển khai, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Đại diện Cục thuế này cho hay, kết quả rà soát, đánh giá cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 221 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý với số liệu kê khai và nộp thuế năm 2023 đạt hơn 10,5 tỷ đồng.

Theo đó, một số giải pháp được đề xuất cụ thể là tuyên truyền các chính sách, các văn bản chỉ đạo của cấp trên và cơ quan ban ngành có liên quan; đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền; tiến hành kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế, phân tích hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế; phân tích rủi ro để chọn ra những doanh nghiệp có doanh thu và số thuế phải nộp năm sau giảm nhiều so với năm trước, yêu cầu doanh nghiệp giải trình để thực hiện xác minh, thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp theo quy định nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, trốn thuế…

Hiện nay, Cục thuế TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang tích cực tuyên truyền cho người dân đi mua vàng hãy nhận hóa đơn điện tử để đảm bảo quyền lợi cho chính mình.

Thu Trang (t/h)