Nhân vật "độc nhất vô nhị" của châu Âu

Trong 16 năm lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, bà Merkel đã gây dựng được tầm ảnh hưởng lớn vì không chỉ dẫn dắt nước Đức mà còn cả Liên minh châu Âu (EU) vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng lớn. Đức hiện là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới và là hình mẫu trong việc cung cấp mạng lưới an ninh xã hội, chào đón người tị nạn và theo đuổi tham vọng chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Merkel, nước Đức cũng đã kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt hơn so với nhiều nước châu Âu khác.

Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: Reuters)
Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Thủ tướng Angela Merkel. (Nguồn: Reuters)

Bà Merkel cũng trở thành người đại diện thực tế cho châu Âu trên trường quốc tế và là nhà trung gian đầy quyền lực của EU thông qua vô số các cuộc đàm phán khó khăn.

Thủ tướng Merkel được nhắc đến với nhiều biệt danh chính trị khác nhau: nhà lãnh đạo của châu Âu, nhà lãnh đạo của thế giới tự do và cũng là cái tên gây tiếng vang đối với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bà đã thể hiện tốt vai trò điều hành, giúp các quốc gia thành viên EU hợp tác với nhau để giải quyết một loại vấn đề nóng, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nhập cư, tích cực điều phối các gói cứu trợ kinh tế, áp đặt biện pháp thắt lưng buộc bụng đối với Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Ông Thomas Kleine-Brockhoff, phó chủ tịch Quỹ Marshall Đức của Mỹ nói rằng: “Tôi sẽ không gọi bà ấy là nhà lãnh đạo của châu Âu, tôi sẽ gọi là người trung gian của châu Âu. Việc nắm vững nghệ thuật để có được sự đồng thuận trong các quyết sách hơn 16 năm qua đã khiến bà ấy trở thành nhân vật độc nhất vô nhị ở châu Âu".

Với kinh nghiệm và uy tín của mình, bà Merkel đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn mà không ai trong số những gương mặt kế nhiệm tiềm năng có thể sánh được. Và do đó, sự ra đi của bà sẽ tạo cơ hội, lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, để các nhân vật khác khẳng định bản thân và tầm nhìn của họ đối với châu Âu.

Cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần này thu hút sự quan tâm của toàn thế giới vì đây là thời điểm quan trọng khi Berlin và phần còn lại của châu Âu bước vào thời kỳ hậu Merkel. Cuộc bầu cử cũng sẽ có ảnh hưởng lớn vì Đức là một lực lượng mạnh mẽ trong nền chính trị châu Âu, có xu hướng định hình các chính sách của EU.

Những gương mặt nổi bật trong cuộc đua thay thế bà Merkel

Ngày 26/9 là ngày cuối cùng các cử tri Đức có thể bỏ phiếu, trước đó đã có một số lượng lớn phiếu bầu được gửi qua thư. Mặc dù Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel đã thống trị chính trường trong nhiều thập kỷ, nhưng cuộc bầu cử lần này được cho là cuộc bầu cử khó đoán trong nhiều năm qua. Các cuộc thăm dò dư luận cho biết khoảng 40% cử tri vẫn chưa đưa ra quyết định.

Trong hai tháng qua, bất ngờ lớn là sự trỗi dậy của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và ứng cử viên của đảng này - ông Olaf Scholz. SPD đã dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận khi nhận được tỷ lệ ủng hộ là 25%.

Điều đáng ngạc nhiên không kém là sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ đối với Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Trong các cuộc bầu cử trước, liên minh CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel giành chiến thắng tương đối dễ dàng, nhưng điều này ngày càng khó xảy ra với nhân vật chạy đua kế nhiệm bà Merkel  - ông Armin Laschet, Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).

Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử lần này tập trung nhiều hơn vào bản thân các nhân vật ứng cử thay vì đảng phái. Armin Laschet đã không kết nối được với nhiều cử tri Đức và sự ủng hộ giành cho CDU giảm đáng kể từ khi ông được chỉ định là người đứng đầu đảng này. Trái lại, Chủ tịch SPD, ông Olaf Scholz, được nhiều nhà phân tích coi là ứng cử viên có kinh nghiệm nhất vì từng giữ các vị trí cấp cao như phó thủ tướng và bộ trưởng tài chính trong chính phủ Đức.

Một số nhà quan sát nhận định, Olaf Scholz dường như đã giành được sự tin tưởng của cử tri thông qua các đề xuất chính sách ôn hòa của mình, cũng như tự thể hiện là người phù hợp nhất kế tục vai trò lãnh đạo thận trọng và nghiêm túc của bà Merkel.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, đảng Xanh hiện đang đứng ở vị trí thứ 3. Vào tháng 4 và tháng 5/2021, đảng này đang dẫn đầu các cuộc thăm dò khi cam kết sẽ hành động nhiều hơn để chống biến đổi khí hậu. Ứng cử viên đảng này, bà Annalena Baerbock cũng được coi là ứng cử viên đầu tiên của đảng Xanh có khả năng trở thành Thủ tướng Đức. Nhưng uy tín của bà Annalena Baerbock đã bị tổn hại sau một số vụ bê bối, khiến tỷ lệ ủng hộ đảng Xanh giảm xuống còn khoảng 16%, theo các cuộc thăm dò của Politico.

Hệ thống bầu cử của Đức hầu như luôn dẫn đến việc hình thành một chính phủ liên minh, vì thế không một nhân vật hoặc một đảng phái nào có thể toàn quyền điều hành đất nước. Dựa trên các cuộc thăm dò dư luận, các chuyên gia cho rằng rất có thể nếu chiến thắng, đảng SPD có thể lành lập chính phủ với đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Tự do. Một kích bản khác là, CDU giành chiến thắng và cũng lựa chọn thành lập liên minh với đảng Xanh hoặc đảng Dân chủ Tự do.

Dù bất cứ đảng phái nào lên nắm quyền, thì trọng trách mà họ phải gánh vác không hề nhỏ, trong đó có việc điều hành một đất nước ngày càng đa dạng về sắc tộc, giảm bớt mối lo ngại của người dân về sức khỏe tài chính và kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 và đáp ứng mong muốn thay đổi của người dân. Khác với giai đoạn mà bà Merkel cầm quyền, Đức hiện nay đứng trước nhu cầu cải cách lớn hơn bao giờ hết, cả ở trong nước và trên trường quốc tế./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)