Cụ thể, đã có ít nhất 68 người bị chết (Sơn La: 6 người; Yên Bái: 14 người; Hòa Bình: 20 người; Thanh Hóa: 16 người; Nghệ An: 9 người, Hà Nội: 2 người; Quảng Trị: 1 người). Số người bị mất tích cũng lên tới 34 người (Sơn La: 2 người; Yên Bái: 14 người; Hòa Bình: 13 người, Thanh Hóa: 5 người). 

Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 04 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đến chiều ngày 14/10, đã tìm được 10 thi thể nạn nhân bị vùi lấp; còn 08 người mất tích, hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiếm.

Về nhà cửa, nhà bị sập đổ hư hỏng là 221 nhà; Về chăn nuôi: 7.547 con gia súc và 243.227 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Hiện nay mực nước đang rút, các địa phương tiếp tục tổ chức thống kê, tổng hợp.

Đã có 102 người bị chết và mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ - Hình 1

Về giao thông, tại Yên Bái, đã khắc phục tạm thời tuyến đường quốc lộ 32, đường tỉnh lộ 164 và đang nỗ lực khắc phục tuyến đường tỉnh lộ 174. Tại Hòa Bình, tuyến quốc lộ (QL) 6 đoạn từ km131+050 đến km 131+250 và 07 tuyến đường tỉnh (432, 433, 435B, 438, 438B, 448, 450) hiện vẫn đang tắc do sạt lở và ngập úng.

Tại Sơn La, các tuyến QL có khoảng 945 vị trí sụt lún, bồi lấp gây ách tắc giao thông 98 vị trí (QL.37 có 34 vị trí, QL43 có 64 vị trí), hiện nay đã thông tuyến; một số tuyến đường tỉnh vẫn còn bị ách tắc giao thông. Đường giao thông đến xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; xã Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè huyện Vân Hồ hiện vẫn bị cô lập (cầu Bản Đông xã Tường Phù, cầu gỗ xã Mường Cơi, cầu tại QL37, cầu Bản Kháng bị cuốn trôi; cầu Gia Phù bị trôi 02 mố).

Tại Thanh Hóa, các tuyến QL đã cơ bản khắc phục thông tuyến, hiện còn các tuyến QL (16, 47, 47C) vẫn bị sạt lở, ách tắc; các tuyến tỉnh lộ đã cơ bản thông tuyến, hiện chỉ còn tỉnh lộ 519B chưa thông tuyến.

Hiện nay các địa phương vẫn đang tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.

Về nông, lâm nghiệp và tiêu úng: Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, tính đến chiều ngày 14/10, diện tích ngập úng còn 126.515ha (giảm so với báo cáo nhanh ngày 13/10 là 31.485ha), trong đó: Phú Thọ 1.809ha; Hưng Yên 1.426 ha, Nam Định 42.336ha, Hà Nam 11.640ha, Thái Bình 17.000ha, Ninh Bình 14.000ha, Thanh Hóa 27.405ha, Nghệ An 10.899ha. ).

Dự kiến, tình hình ngập úng nặng sẽ còn tiếp diễn trong 5-7 ngày tới ở các tỉnh Hà Nam và Nam Định, 3-5 ngày ở các tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. Cây trồng lâu năm, hằng năm và cây ăn quả tập trung: 17.105ha (Hà Nội: 218ha; Hưng Yên: 500ha; Hà Nam: 750ha, Thanh Hóa: 13.439ha, Nghệ An: 2.199ha).

Các khu vực bị cô lập: Thanh Hóa còn 35 xã/07 huyện vẫn đang bị ngập, trong đó 03 xã bị cô lập: Trung Chính (Nông Cống), Yên Giang (Yên Định), Vĩnh Hưng (Vĩnh Lộc); Ninh Bình còn 6 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập, hiện nước đang rút chậm.

Hiện nay, các tỉnh đang tiếp tục thống kê, đánh giá thiệt hại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp.

Về tình hình đê điều, theo báo cáo của Vụ Quản lý đê điều, tính đến 17h00 ngày 14/10 do mực nước trên các sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều. Ngoài 197 trọng điểm đê điều tại 19 tỉnh có đê, trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều/27.601m (đê từ cấp III trở lên: 50 sự cố, đê dưới cấp III: 93 sự cố), trong đó:

Trên 15 tuyến đê từ cấp III đến cấp I thuộc 06 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa) đã xảy ra 50 sự cố đê điều/9.568m, bao gồm: sạt lở mái đê (19 sự cố/1.620m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (09 sự cố/2.425m); đùn sủi phía chân đê hạ lưu (04 sự cố); nước tràn qua mặt đê (7 sự cố/4.480m); nứt mặt đê (01 sự cố/150m); sự cố cống qua đê (04 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (05 sự cố/893m). Trong đó, trên một số tuyến đê của tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra những sự cố rất nguy hiểm như: sự cố nứt mặt đê, sạt lở mái đê phía sông đê tả Chu (K17+100-K17+332); nứt, sạt mái đê phía sông đê hữu Mã (K32+000-K32+225); nước tràn qua đỉnh đê tả, hữu sông Lạch Trường (tổng chiều dài 3.276m); sự cố bãi sủi ở hạ lưu đê tả Chu (K30+050); lỗ phụt nước đục hạ lưu đê hữu Lèn (K5+950).

Trên các tuyến đê dưới cấp III hoặc đê chưa được phân cấp cũng đã xảy ra tổng cộng 93 sự cố/18.033m, bao gồm:  vỡ đê (07 sự cố/43m); sạt lở mái đê (24 sự cố/1.719m); thẩm lậu, rò rỉ nước qua thân đê (04 sự cố/200m); đùn sủi (08 sự cố); nước tràn qua đê (34 sự cố/15.570m); nứt mặt đê (02 sự cố/170m); sự cố cống qua đê (09 sự cố); sạt lở kè, bờ sông (04 sự cố/31m). Trong đó, có các sự cố nguy hiểm như: sự cố lủng mang cống trạm bơm Quang Hoa tại K14+350 đê hữu Cầu Chày; sự cố sập hai bên mang cống Ông Công đê hữu sông Hoàng; 10 đoạn đê tả, hữu Cầu Chày bị tràn và xấp xỉ tràn.

Tình hình tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 15/10, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 75.145 tầu, thuyền/309.279 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh hoặc di chuyển vòng tránh thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cụ thể, hoạt động ở khu vực từ Bắc Vĩ tuyến 17 (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) đang có 74 tàu với 618 lao động; hoạt động ở các vùng biển khác và neo đậu tại các bến là 75.071 tàu với 308.661 lao động.

Hoan Nguyễn