Theo người dân phản ánh, cách đây gần 1 năm, có những nhân viên Công ty Phân bón A.T. ở huyện Cư Jút (Đắk Nông) đến giới thiệu sản phẩm. Công ty quảng cáo sản phẩm mới có thể thay thế phân chuồng và tăng năng suất hồ tiêu.
Tiêu chết có phải do phân bón? (Ảnh minh hoạ)
“Nghe nhân viên công ty quảng cáo, tôi đồng ý mua 2 tấn với giá 7,6 triệu đồng để về bón cho vườn tiêu. Tại hợp đồng nêu rõ, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bón, nếu phân không tốt phải báo lên cho công ty để giải quyết, nếu không thông báo, gia đình tôi phải chịu trách nhiệm”, anh N.V.T (50 tuổi, ở xã Xuân Phú, huyện EaKar, Đắk Lắk) cho biết.
Anh T. trình bày, gia đình có hơn 3 ha tiêu, trồng từ những năm 2006, trụ cao từ 5 - 7 m, nhiều trụ có bán kính 2 người ôm. Sau khi dùng 1,2 tấn phân để bón cho gần 800 trụ tiêu, sau khoảng 10 ngày, hàng loạt tiêu vừa được bón phân bị vàng lá, rụng trái và nhiều trụ tiêu bị chết. Ngay sau đó, anh T. thông báo và phía Công ty Phân bón A.T. cử người xuống kiểm tra, tiến hành phun một số loại thuốc để xử lý, đồng thời đưa cho gia đình anh T. một lô thuốc để phun nhưng vẫn không hiệu quả.
Sau đó ít ngày, Công ty Phân bón A.T. mang đến cho anh T. kết quả phân tích mẫu phân bón, trong đó ghi người gửi mẫu là anh N.V.T. Theo kết quả phân tích này thì nguyên nhân khiến tiêu của anh T. chết là do “trong mẫu đất trồng hồ tiêu xuất hiện tuyến trùng gây hại Pratylenchus sp. và Meloidogyne sp., do rễ bị hư hại nặng nên tuyến trùng đã di chuyển sang các cây xung quanh”.
“Tôi khiếu nại lên chính quyền, công an xã, yêu cầu công ty phải bồi thường theo hợp đồng 450 triệu. Nhưng họ chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng, họ nói chưa thể khẳng định nguyên nhân tiêu chết là do bón phân của công ty. Số tiền này, không đủ chi phí tiền công chăm sóc”, anh T. bức xúc.
Anh T. cho rằng vườn tiêu không chết vị bệnh, nếu tiêu chết vì bệnh nhìn biết ngay và tiêu chết trên diện rộng, chứ không phải chỉ chết ở những nơi bón phân.
Theo Chi cục QLTT Đắk Lắk, mỗi năm, Chi cục đã xử lý và tịch thu hàng chục tấn phân bón vi phạm, chủ yếu là hàng quá hạn sử dụng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm niêm yết giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền đất tại địa điểm kinh doanh. Giữa tháng 7 vừa qua, Chi cục QLTT tỉnh Đăk Lăk đã phát hiện và ngăn chặn lô phân bón 176 tấn hết hạn sử dụng chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Hải Dương