Theo quy hoạch, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, các trung tâm logistics tại địa bàn thành phố đáp ứng khoảng 25% lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, đến năm 2025 là 30%, đến năm 2030 là 35%; đến năm 2045 là 55%; đối với luồng hàng hóa qua cảng hàng không tương ứng là 10%, 15%, 20% và 40%; đối với luồng hàng hóa đường sắt: năm 2030 là 20% và 2045 là 40%.

Đà Nẵng: Ban hành Quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics - Hình 1

Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm logistis miền Trung

Dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Đà Nẵng là 13.695 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển các trung tâm logistics do UBND thành phố kêu gọi đầu tư. Nguồn vốn đầu tư cải thiện kết nối giao thông đường bộ, nút giao thông thuộc địa phương quản lý do UBND thành phố đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương.

Nguồn vốn đầu tư đường sắt kết nối từ cảng Liên Chiểu đến ga hàng hóa Kim Liên mới do Trung ương đầu tư. Các tuyến đường bộ thuộc Trung ương quản lý cũng do Trung ương đầu tư. Tổng nhu cầu quỹ đất để thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành logistics thành phố đến năm 2045 ước khoảng 312 ha.

Quy hoạch dựa trên quan điểm phát huy được các nguồn lực, lợi thế để xây dựng Đà Nẵng thành một trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây.

Ngọc Linh