Khu vực mặt bằng đang được chuẩn bị để đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác
Khu vực mặt bằng đang được chuẩn bị để đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác

Sau hơn 4 năm gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt với công suất 650 tấn/ngày, nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đã điều chỉnh chứng nhận đầu tư dự án (lần thứ 3) đối với Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn (tên mới của dự án) có tổng vốn đầu tư 2.021 tỷ đồng.

Trước yêu cầu của công tác xử lý rác sinh hoạt, tại Thông báo số 191/TB-VP ngày 16/5/2019, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng thống nhất về nguyên tắc cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài để chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện có công suất 650 tấn/ngày. Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các thủ tục của dự án diễn ra chậm và gặp nhiều vướng mắc.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Nguyên Chương cho biết, Công ty CP Môi trường Việt Nam đã thành lập một công ty con là Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB - Đà Nẵng và thông qua công ty con này để liên kết với đối tác nhằm điều hành dự án Nhà máy xử lý rác có công suất 650 tấn/ngày với công nghệ xử lý rác của Công ty EB. Trong quá trình thực hiện, đặc biệt là giải quyết các thủ tục liên quan, đã gặp vướng mắc phát sinh, trong đó, vướng mắc lớn nhất là quy định của pháp luật.

Cụ thể, ngày 17/8/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Công văn số 2430/SKHĐT-DN thông báo việc nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua phần vốn góp vào Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB - Đà Nẵng là chưa đáp ứng được các điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020. Do không liên kết được với đối tác nước ngoài, để được điều chỉnh chứng nhận đầu tư, năm 2022, Công ty CP Môi trường Việt Nam chuyển sang hợp tác với doanh nghiệp trong nước là Công ty CP Tập đoàn AMACCAO để thực hiện dự án Nhà máy xử lý rác có công suất 650 tấn/ngày (Công ty này đang đầu tư dự án Nhà máy điện rác Seraphin có công suất 2.250 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Hà Nội) được dự kiến chạy thử vào tháng 12/2023).

Trên cơ sở đề xuất của công ty, vào ngày 18/9/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (điều chỉnh lần thứ 3) với tên dự án đầu tư mới Nhà máy đốt chất thải rắn phát điện tại Khánh Sơn - Đà Nẵng. Mục tiêu của dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (rác) và chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải cá biệt, chất thải nguy hại đốt được bằng công nghệ đốt rác phát điện hiện đại, đáp ứng nhu cầu xử lý rác của thành phố; sử dụng vật liệu tái chế, xỉ của nhà máy để làm vật liệu xây dựng, sản xuất gạch block không nung, cấu kiện bê-tông...; tái chế dầu nhớt phế thải, cao su phế thải thành dầu đốt PO, RO...

Tổng vốn đầu tư của dự án 2.021 tỷ đồng, trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là 404,2 tỷ đồng (tương đương 20%), còn lại được huy động từ tổ chức tín dụng. Trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng nêu rõ, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng là 12 tháng (kể từ ngày 18/9/2023); thời gian xây dựng, lắp đặt thiết bị là 20 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng; thời gian hoàn thành, đưa dự án vào sử dụng là quý 3/2026.

Đà Nẵng triển khai quy hoạch Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với diện tích hơn 50hecta.
Đà Nẵng triển khai quy hoạch Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với diện tích hơn 50hecta

Ông Võ Nguyên Chương cho rằng, công nghệ lò đốt của nhà máy là lò ghi cơ học của Đức. Cơ quan thẩm định công nghệ của nhà máy là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thành phố đang quyết liệt đôn đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam thực hiện hàng loạt các biện pháp triển khai dự án như lập quy hoạch chi tiết 1/500, hồ sơ về môi trường, xử lý cao độ tĩnh không, hồ sơ thẩm định công nghệ....

“Hiện nay, tiến độ triển khai dự án đang được thành phố kiểm soát tốt”, ông Võ Nguyên Chương khẳng định.

Ngoài ra, tại khu vực Khánh Sơn cũng chuẩn bị đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác sinh hoạt có công suất 1.000 tấn/ngày theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu UBND thành phố tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án này. Hội đồng thẩm định đã đề nghị đơn vị tư vấn dự án chỉnh sửa, bổ sung các nội dung thẩm định của thành viên trong hội đồng thẩm định. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố sẽ triển khai các bước tiếp theo theo quy định để làm cơ sở xem xét hồ sơ dự án đáp ứng với các quy định hiện hành.

Hoàng Nguyên