Nợ xấu và nợ công của Việt Nam có quy mô lớn, có xu hướng gia tăng mạnh khiến đà suy thoái kinh tế có thể vẫn còn tiếp tục trong một vài năm tới. Đây là nhận định của PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Sức khỏe doanh nghiệp đang yếu đi
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, hai luồng tiền bơm cho nền kinh tế là DN và chi tiêu nhà nước là những điểm nghẽn lớn nhất khiến kinh tế trì trệ. Nếu tính cả số DNNN không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam lên tới gần (hoặc hơn) 100% GDP.
Liên quan đến tình hình kinh tế kém phát triển, hệ thống DN cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, đà đóng cửa của các DN vẫn chưa chấm dứt, thậm chí số lượng DN đóng cửa năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2011 có 53.922 DN đóng cửa thì đến năm 2012 là 54.261; năm 2013 là 60.737 và số DN đóng cửa 6 tháng đầu năm 2014 tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, chính sách kinh tế vĩ mô vẫn chưa thể cứu cánh cho các DN. Dù số DN đăng ký thành lập nhiều hơn số DN tuyên bố đóng cửa nhưng thực tế quy mô DN ngày càng có xu hướng nhỏ đi (năm 2012 có 69.874 DN, vốn bình quân là 6,68 tỷ đồng/DN; năm 2013 có 76.955 DN, vốn bình quân là 5,18 tỷ đồng/DN, nếu quy về mặt bằng giá năm 2012 thì chỉ còn 4,18 tỷ đồng/DN).
PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng: Số DN đóng cửa mỗi năm đều tăng lên, gia tốc đóng cửa tăng cho thấy sức khỏe của DN đang yếu đi. Lý do chủ yếu là do môi trường kinh doanh, cơ chế chính sách, cách hoạt động của DN chứ không phải vì khó khăn bên ngoài. “Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn mà quy mô DN càng nhỏ thì những DN này sẽ càng vất vả hơn nhiều để trụ lại với cuộc chơi. Với tình hình nền kinh tế đang lúc khó khăn lại phải nuôi dưỡng những DN này thì sẽ càng khó khăn hơn để khôi phục và phát triển”, PGS. TS. Trần Đình Thiên chia sẻ.
Tháo gỡ rào cản
PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định, nợ xấu và nợ công là những điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế, bởi vậy không thể để tắc nghẽn vĩ mô lâu hơn. Đối với nợ xấu, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt, triệt để để giải quyết một phần cơ bản nợ xấu trong vòng vài năm, bằng “tiền tươi, thóc thật”. Tìm nguồn tài chính bằng cách bán tài sản nhà nước (cổ phần hóa), vay nợ từ các tổ chức như IMF… Đối với nợ công, cần tiếp cận xử lý hệ thống luật liên quan đến đầu tư công và DNNN theo cách đồng thời sửa 6 Luật (Luật Ngân sách, Luật DN, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng…) trong một thời gian ngắn, theo “quy trình đặc biệt”; đẩy mạnh tiến độ cổ phần hóa nhưng không theo logic phong trào mà theo logic “cưỡng bức cải cách có điều kiện”…
Ở một khía cạnh khác, hoạt động đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam cũng gặp phải không ít rào cản làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế như: Nút thắt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính; một số quy định hiện hành chưa phù hợp; khoảng cách giữa các quy định pháp luật và việc thực thi chính sách ở các địa phương gây nhiều khó khăn cho DN…
Nhằm tháo gỡ rào cản cho hoạt động đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) kiến nghị, sửa Luật đầu tư, Luật DN và các pháp luật liên quan; cải cách thủ tục hành chính, rà soát để loại bỏ giấy phép con và giảm số lượng lĩnh vực đầu tư, kinh doanh có điều kiện…
Ngoài ra, để cứu cánh cho các DN, bên cạnh các chính sách vĩ mô từ Chính phủ, ông Hoàng cho rằng, các DN cần có những chiến lược phù hợp tình hình. Theo đó, các DN cần tự nâng cấp về công nghệ, phương thức quản lý, văn hóa kinh doanh… để tăng cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài; cung cấp hồ sơ giới thiệu về DN để quảng bá với các đối tác; tăng cường các hoạt động giao lưu, tiếp xúc thông qua các cơ quan, tổ chức về xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo; tham gia các website về xúc tiến đầu tư để tìm hiểu đối tác đầu tư, kinh doanh…
Thảo Miên – Kiều Tuyết