THCL Trong những năm qua, các chương trình phối hợp chuyển giao khoa học và công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên được duy trì chặt chẽ, có hiệu quả; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Đại học Thái Nguyên: Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao KH&CN vào thực tiễn - Hình 1

GS. TS. Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐHTN

Gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn

Chỉ trong 5 năm (2010 – 2015),Đại học Thái Nguyên đã triển khai 272 đề tài, dự án chuyển giao công nghệ với tổng giá trị 270 tỷ đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước.

Năm 2016, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đã tổ chức triển khai thực hiện 39 đề tài, dự án khoa học, dự án sản xuất thử nghiệm trên địa bàn tỉnh trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn; y tế, chăm sóc sức khỏe người dân; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp và môi trường. Trong đó, nhiều dự án thử nghiệm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học, sản phẩm ứng dụng có hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh Thái Nguyên.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác phối hợp này tiếp tục được triển khai với nhiều nội dung. Trong đó, 5 nhiệm vụ dự kiến triển khai trong năm 2017 - 2018 đó là: Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất rau an toàn; chuyển giao mô hình “nhà trồng thông minh” cho tỉnh Thái Nguyên; hệ thống điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng đô thị; xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch Thái Nguyên.

GS. TS. Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Với vai trò là đại học vùng trong những năm qua, Đại học Thái Nguyên đã tích cực mở rộng quy mô, loại hình đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng vào thực tế. Đặc biệt, Đại học Thái Nguyên đã tham gia thực hiện việc nghiên cứu khoa học và công nghệ theo đơn đặt hàng của các địa phương trong khu vực và chuyển giao những ứng dụng công nghệ mới đến các vùng trọng điểm theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đại học Thái Nguyên đã và đang thực hiện 3 đề tài khoa học trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2013- 2018: Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thức ăn dự trữ cho gia súc và dây chuyền sản xuất viên nén sinh khối tại vùng Tây Bắc; Nghiên cứu phát triển, chuyển giao bộ tiêu chuẩn, phần mềm đánh giá năng lực sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để hỗ trợ dạy - học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học vùng Tây Bắc; Nghiên cứu giảipháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất miền núi thuộc khu vực Tây Bắc bằng biện pháp trồng xen cây dược liệu với cây lương thực và cây dược liệu với cây gỗ lớn áp dụng thử nghiệm ở Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Kạn.

 Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cũng đang chờ phê duyệt và đề xuất dự án mới với Bộ Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực ươm tạo công nghệ và phát triển doanh nghiệp trong các ngành khoa học sự sống; Ứng dụng công nghệ cao vào chăm sóc cây chè; ứng dụng Internet vạn vật (IOT) trong nông nghiệp công nghệ cao...

 Mới đây, tại Sự kiện Kết nối cung - cầu Khoa học - Công nghệ, do BộKhoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban Chỉ đạo Tây Bắc đồng tổ chức tại Thái Nguyên từ 09 – 11/11/2016, sau khi tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã thông tin nhanh những định hướng ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2020, cũng như vai trò, cơ hội của Đại học Thái Nguyên với khu vực và cả nước.

Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với ứng dụng và chuyển giao công nghệ bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực. Các trường thành viên, các ngành đào tạo của Đại học Thái Nguyên cũng cần tích hợp chặt chẽ trong một sốsản phẩm khoa học, ứng dụng công nghệ bảo đảm tính đồng bộ, bền vững và phù hợp với đặc thù vùng, miền. Trong công tác quản lý, Đại học Thái Nguyên cần chú trọng việc huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ…

Áp dụng hiệu quả những tiến bộ KH-CN

Tháng 9/2016, Đại học Thái Nguyên và UBND tỉnh Thái Nguyên đã có chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ đến năm 2020.

Chương trình sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đại học Thái Nguyên về nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đóng góp thiết thực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đạt được một số mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên Khóa V, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

 Theo đó, Đại học Thái Nguyên và UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ hợp tác cụ thể trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Nông lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên môi trường; giáo dục - đào tạo; văn hóa - xã hội; y yế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công nghệ thông tin và truyền thông; cơ khí, tự động hóa. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chương trình khoảng 100 tỷ đồng.

GS.TS. Giám đốc Đặng Kim Vui cho biết, hiện nay, Đại học Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu lớn cho 13 tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Với tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên xác định đây là một dự án lớn, trọng điểm của đại học về khoa học và công nghệ đến năm 2020.

Đại học cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như xem xét, dành ưu tiên nhất định về nguồn ngân sách để tham gia.

Bên cạnh đó, để chương trình đạt kết quả cao, Đại học Thái Nguyênsẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học có thế mạnh về các lĩnh vực nghiên cứu cùng tham gia để Chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên đến năm 2020 đạt kết quả cao nhất. 

Với vị thế là đại học vùng trọng điểm của cả nước, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, Đại học Thái Nguyên đã bước đầu có sự chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp sang mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

Thành quả nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học sâu rộng, đa dạng các cấp đề tài của Đại học Thái Nguyên chính là 3 sản phẩm nghiên cứu được cấp bằng sáng chế, 60 công trình được tặng giải thưởng khoa học, trong đó có 2 giải Kovalevskaia và 3 giải nhất “Tài năng khoa học trẻ toàn quốc”.

Ngoài ra,nhiều công trình đi vào thực tế có hiệu quả kinh tế cao, triển khai trên toàn quốc, như: Bộ đôi chày cối dập thuốc viên cho ngành dược; dao phẳng dùng trong chế biến dăm gỗ; phân bón vi sinh NTT; hệ thống tủ kích từ dùng khởi động cho động cơ 3 pha công suất >500 kW; hệ thống điều khiển tiết kiệm điện năng đèn chiếu sáng đô thị (đã chuyển giao thành công tại TP.Bắc Ninh và sẽ chuyển giao tại TP. Thái Nguyên thời gian tới); máy băm thái đa năng; nuôi cây thảo dược quý bằng công nghệ In Vitro và nhiều sản phẩm khác.

Hoạt động khoa học và công nghệ gắn liền với sản xuất và đời sống, phục vụ đắc lực công tác đào tạo là xu hướng mới của Đại học Thái Nguyên những năm gần đây và tương lai. Cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ của Đại học Thái Nguyên và các trường, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu thành viên được chuyển dần theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, thông qua hình thức đấu thầu các đề tài, dự án khoa học.

 

 Tiến Nha- Ngọc Liên