THCL “Khoa học công nghệ phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam”.

Đó là tên hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Chương trình Con người và Sinh quyển và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa tổ chức, nhằm Hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2016.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo định nghĩa của UNESCO, Khu dự trữ sinh quyển thế giới là những khu vực có hệ sinh thái bờ biển hoặc trên cạn, có giá trị nổi bật về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Các Khu dự trữ sinh quyển được các quốc gia đề cử và được UNESCO công nhận khi đáp ứng các tiêu chí của UNESCO. Mỗi Khu dự trữ sinh quyển có 03 chức năng: bảo tồn, phát triển và hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo. Hiện mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển có 669 khu tại 120 quốc gia.

Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao của thế giới và khu vực. Năm 2000 UNESCO đã công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam là Cần Giờ. Đến năm 2015 UNESCO công nhận Lang Biang là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam.

Từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Ủy ban  Quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam xem xét các nhu cầu của 09 Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam về các vấn đề phát triển bền vững như hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sinh kế của người dân, với phát triển kinh tế của địa phương, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với bảo tồn văn hóa dân tộc, với phát huy tri thức bản địa…Các nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội thảo luận và đề xuất những vấn đề nghiên cứu nhằm giúp địa phương giải quyết những vấn đề này. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và tổ chức thực hiện cho 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia thực hiện tại 05 Khu dự trữ sinh quyển. Kết quả của mỗi nhiệm vụ này sẽ là một số mô hình về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững được thí điểm triển khai thực hiện tại một khu dự trữ sinh quyển. Những mô hình này là kinh nghiệm để các khu khác học tập và có tác dụng lan tỏa cho cả mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia báo cáo về nội dung nghiên cứu, kế hoạch thực hiện và dự kiến sản phẩm của mình. Hội thảo là diễn đàn để các Khu dự trữ sinh quyển cùng các nhà khoa học cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề nêu trên.

PV (Thương hiệu và Công luận)