
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2024, trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi các đợt thiên tai như: rét đậm, rét hại và mưa lũ. Cụ thể, thiên tai đã khiến 5 người chết, 13 người bị thương; thiệt hại và ảnh hưởng 10.340 ngôi nhà, hơn 3.100 ha lúa, trên 678 ha cây ăn quả, 27.180 ha rừng... ước tổng thiệt hại trên 1.379 tỷ đồng.
Năm 2024, công tác PCTT&TKCN tiếp tục được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Công tác dự báo, tuyên truyền từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng góp phần tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo các cấp, ngành, các huyện, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ Nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Thực tế công tác phòng, chống thiên tai, nhất là trong cơn bão số 3 (xảy ra vào tháng 9/2024) cho thấy, tại một số địa bàn có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất cao vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, không thực hiện ngay việc sơ tán, di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm theo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa bàn còn thiếu quyết liệt, lúng túng, do phương án phòng chống thiên tai chưa thường xuyên được điều chỉnh phù hợp thực tiễn, dẫn đến việc vận hành phương châm “4 tại chỗ” chưa thực sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Sơn, quyền Giám đốc đài khí tượng thủy văn tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và đài khí tượng thủy văn tỉnh, diễn biến thời tiết và tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh năm nay có thể diễn biến phức tạp, bất thường. Những tháng cuối năm khả năng xảy ra bão, lũ lớn do tác động mạnh của biến đổi khí hậu...
Để chủ động ứng phó với thiên tai, năm 2025 tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó cụ thể với các loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, nắng nóng, hạn hán... theo các cấp độ rủi ro thiên tai; trong đó, phân định rõ vai trò, trách nhiệm, công việc cụ thể của từng cơ quan, địa phương, đơn vị...
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương dự báo sát tình hình, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa với phương châm “phòng là chính”; tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống thiên tai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, các địa phương rà soát lại kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình của từng vùng, địa bàn, thời điểm; kiểm tra, đôn đốc, chuẩn bị tốt công tác phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn trước khi xảy ra bão, mưa, lũ. Các địa phương xây dựng phương án, bố trí tái định cư, di dời nhân dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn giúp nhân dân yên tâm ổn định đời sống; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn dân về phòng, chống thiên tai. Các sở, ngành, địa phương chỉ đạo vận hành an toàn hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho vùng hạ du. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện nghiêm chế độ trực ban phòng chống thiên tai.
Triệu Thành