Cụ thể, báo cáo tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành trung ương với Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội (ngày 14/5), ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) cho biết: Hà Nội hiện có 80.267 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...
Trong đó có 9.720 cơ sở sản xuất thực phẩm, 25.244 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 38.413 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 6.890 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Thực hiện Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, từ ngày 15/4 đến ngày 12/5, các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường đã triển khai 609 đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm. Các đoàn đã thanh tra, kiểm tra 11.143 cơ sở; trong đó có 9.997 cơ sở (tỷ lệ 89,7%) đạt yêu cầu, 564 cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 7,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, các đoàn kiểm tra buộc tiêu hủy tang vật, hàng hóa vi phạm, gồm: 2.182kg trái cây, 90kg nem chua và quẩy; 251 thùng bim bim các loại; 325kg nguyên liệu phụ gia; 613kg thịt và mỡ lợn, tổng giá trị 137,114 triệu đồng; xử phạt 3,162 tỷ đồng đối với thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Đồng thời, lấy 10.748 mẫu để xét nghiệm nhanh chỉ tiêu hóa lý, kết quả 96,7% đạt yêu cầu; 143 mẫu xét nghiệm nhanh chỉ tiêu vi sinh, kết quả 86% đạt yêu cầu; 80 mẫu gửi labo phân tích chỉ tiêu hóa lý, 16 mẫu phân tích chỉ tiêu vi sinh, kết quả 100% mẫu phân tích đạt yêu cầu.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Trưởng phòng Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể như, nhận thức của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế; tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm từ tỉnh khác vào Hà Nội tuy giảm, song vẫn phức tạp; các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn tồn tại.
Do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn, chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động; nông sản thực phẩm chủ yếu tiêu thụ qua phương thức truyền thống, chợ đầu mối, chợ dân sinh; thói quen tiêu dùng của người dân vẫn sử dụng thịt nóng, chưa quan tâm nhiều đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cũng cho biết, các sở, ngành thành phố tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm để ngăn chặn, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khai thác nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn...
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Bá Anh đánh giá cao công tác quản lý an toàn thực phẩm của Hà Nội. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát nguồn gốc nông, lâm, thủy sản từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ...
Cũng tại buổi làm việc, các sở, ngành của TP. Hà nội đã đề nghị Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương rà soát tồn tại, tham mưu bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhất là Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy chuẩn kỹ thuật, quy định mức giới hạn tối đa cho phép về vi sinh, hóa học có trong thực phẩm...
Hiện nhiều sản phẩm phối chế hỗn hợp không có quy chuẩn, quy định về giới hạn vi sinh, hóa học, gây khó khăn cho cơ sở tự công bố chất lượng và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm tham mưu Chính phủ hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn từng đơn vị để thành phố có căn cứ phân công, phân cấp thực hiện công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tuấn Ngọc (t/h)