Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một ông lớn được cho là thẳng thắn nhất trong tuyên bố làm nông nghiệp. Nhưng hành trình của HAGL cho thấy con đường làm nông quy mô lớn không trải hoa hồng.

Đại nông sản: Cuộc chơi mới của những đại gia cũ - Hình 1

HAGL từng phải bí mật trồng trái cây vì áp lực của dư luận và cổ đông

Sau nhiều lần thất bại, doanh nghiệp cũng phải có giai đoạn bí mật “ủ mưu”, vì không chịu nổi áp lực từ cổ đông lẫn thị trường.

2009-2012 là giai đoạn vàng son của HAGL nhờ bất động sản. Nhưng khi thị trường nhà đất trồi sụt, năm 2013, ông Đoàn Nguyên Đức tuyên bố rút khỏi đất động sản, thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện và đầu tư vào nông nghiệp.

Đại nông sản: Cuộc chơi mới của những đại gia cũ - Hình 2

Đầu tư vào nông nghiệp không phải chỉ gieo và gặt

Thực tế, từ 2008, HAGL đã trồng cao su tại Lào và được đánh giá là đầy cơ hội khi giá cao su thế giới thời điểm 2010-2011 cao chót vót. Nhưng tới 2013-2014, khi cây cao su tới tuổi cho mủ thì giá tụt dốc, doanh nghiệp lao đao.

Để theo đuổi nông nghiệp, HAGL đành tạm gác mũi nhọn cao su, hướng qua mía đường, dầu cọ và nuôi bò.

Và giữa những khó khăn, hoài nghi, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, mới “thành thật” về dự án trồng chanh dây, thanh long, chuối… xuất khẩu.

“Tôi bí mật trồng trái cây vì sợ người ta nói sắp chết mà nổ... Chúng tôi tuyên bố chọn cây ăn trái làm cốt lõi, gồm trái cây tươi, trái cây khô và trái cây chế biến... HAGL không còn lựa chọn nào khác, nếu chờ giá cao su lên, chờ cọ dầu thì không thể chịu nổi”, ông nói.

Tuy nhiên, chừng đó là vẫn chưa đủ để doanh nghiệp đi đến cuối hành trình. HAGL lại một lần nữa thu gọn cơ cấu sản phẩm và nhờ sự trợ giúp về vốn từ đối tác, qua việc bắt tay với Thaco.

Câu chuyện của HAGL có lẽ là một điển hình để các doanh nghiệp nhảy vào nông nghiệp một cách căn cơ, có chiến lược dài hơi, hơn là việc tính toán theo phép cộng trừ cơ học.

Sau HAGL, Vingroup bày tỏ tham vọng với lĩnh vực này. Bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp năm 2015, khi VinEco, thành viên của Vingroup được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, có mặt tại nhiều địa phương, tập trung trồng trọt, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến để cung cấp rau quả cho thị trường theo chuẩn VietGap, GlobalGap.

Lợi thế khi làm nông nghiệp của Vingroup là chuỗi khép kín khi tận dụng được hệ thống phân phối qua các kênh bán lẻ của chính tập đoàn này.

Sau 3 năm, đến nay, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 15 nông trường, tổng diện tích sản xuất gần 3.000 ha với hàng nghìn tỷ đồng tiền vốn được rót vào. Mỗi tháng đơn vị này cung cấp ra thị trường hàng nghìn tấn nông sản đủ chủng loại, nhưng đến nay mảng này vẫn chưa được ghi nhận lợi nhuận.

Đại nông sản: Cuộc chơi mới của những đại gia cũ - Hình 3

Hòa Phát cũng bẻ lái sang nông nghiệp với nhiều dự án chăn nuôi, nhưng doanh thu sau 3 năm triển khai chỉ chiếm 6% tổng doanh thu của doanh nghiệp

Cũng trong năm 2015, Hòa Phát thành lập Công ty cổ phần Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát, với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng. Ngay sau đó, các trang trại nuôi lợn, bò, gà chất lượng cao được Hòa Phát đầu tư trải khắp cả nước. Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng mảng thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi sẽ góp 30% vào lợi nhuận của tập đoàn.

Thế nhưng, cũng như HAGL, các biến động về thị trường giá đã khiến cơ cấu doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát không sớm về đích như kỳ vọng. Sau 3 năm triển khai, doanh thu từ nông nghiệp (chủ yếu là thức ăn chăn nuôi), mới chỉ chiếm 6% trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn.

Chia sẻ với cổ đông, ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, cho biết doanh nghiệp vẫn sẽ đảm bảo lộ trình xây dựng nông nghiệp quy mô lớn và công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Bức tranh tái cấu trúc ngành chăn nuôi cũng như ngành nông nghiệp tại Việt Nam đã trở nên rõ nét hơn, và những doanh nghiệp nào trường vốn, có tiềm lực tài chính sẽ giữ vững được vị thế của mình. Đó là lý do Hòa Phát vẫn tiếp tục nuôi dưỡng lĩnh vực nông nghiệp, với mục tiêu phát triển xa hơn trong tương lai”, ông Long cho biết.

Nhưng nguồn tin của Zing.vn cho biết từ nay tới 2020, Hòa Phát chỉ duy trì quy mô hiện tại, hoàn thiện các dự án đang triển khai mà không mở rộng hay đầu tư thêm. Thép vẫn là cốt lõi của tập đoàn, còn nông nghiệp và các mảng khác chỉ được xem là một cơ hội mới trong kinh doanh, nhưng chưa phải là ưu tiên. Đóng góp của nông nghiệp với Hòa Phát vẫn còn rất nhỏ.

Vị này cũng biết khác với Thaco thực hiện M&A để gia nhập thị trường nông nghiệp, chủ trương của Hòa Phát là tự làm.

Những năm gần đây, thị trường chứng khoán được xem như một đại nông trường. Bên cạnh doanh nghiệp lớn đầu tư thuần về nông nghiệp như Vinamilk, TH, Lộc Trời, Masan… , trên nông trường này đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tay ngang. Họ đến với nông nghiệp không phải tư cách trực tiếp gieo trồng mà là cấp vốn và hệ thống quản trị dựa lên nền tảng của đối tác.

Thaco là cái tên được nhắc đến gần đây, với thương vụ “bom tấn” cùng với HAGL.

Đại nông sản: Cuộc chơi mới của những đại gia cũ - Hình 4

Thaco khẳng định việc lấn sân vào nông nghiệp sau khi bắt tay với HAGL

Trước đó doanh nghiệp này cũng đã chào sân lĩnh vực nông nghiệp qua việc bắt tay với Tập đoàn Lộc Trời trong sản xuất, chế biến và phân phối gạo, tham gia cung cấp máy móc nông cụ khi hợp tác với LS Mtron (Hàn Quốc).

Theo thông tin công bố tại đại hội cổ đông thường niên năm 2018, Thaco sẽ đầu tư khu công nghiệp chuyên về nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nông trường trồng cây ăn trái, cây công nghiệp.

Như vậy, việc rót gần 1 tỷ USD vào HAGL cũng như mua lại trái phiếu chuyển đổi của Hoàng Anh Gia Lai Agrico, để tiến tới nắm giữ cổ phần, là nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Thaco.

Trước đó, một doanh nghiệp đình đám khác là tập đoàn T&T của bầu Hiển cũng âm thầm đi vào nông nghiệp.

Trong 2 năm qua, T&T liên tiếp trở thành cổ đông chiến lược của một số doanh nghiệp lớn, như Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội)…

Nhưng những thương vụ này cho thấy, có vẻ bầu Hiển muốn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, hoặc các giá trị khác, chứ không làm nông theo hướng nuôi trồng như một số đại gia khác. Phần lớn đối tác của T&T là doanh nghiệp cung ứng vật tư hoặc thu mua, phân phối, xuất khẩu nông sản.

Cụ thể, Vigecam là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm phân nén với thương hiệu Con Lười và xuất khẩu chè. Tại Tổng công ty Rau quả nông sản (Vegetexco), lĩnh vực kinh doanh chính là xuất khẩu nông sản các loại và cung cấp hạt giống cho thị trường trong nước.

Mới đây, tập đoàn này cũng đã ra mắt thương hiệu nông sản T-Vital và hệ thống siêu thị riêng (Qmart). Có thể thấy, chuỗi khép kín từ sản xuất - thương mại - logistics trong lĩnh vực nông sản đang được ông chủ T&T manh nha hình thành. Việc rót vốn đầu tư vào Vinafood 2, mỗi năm kinh doanh 3 triệu tấn gạo, xuất khẩu trên 1 tỷ USD, sẽ giúp T&T làm phong phú thêm mô hình chuỗi của mình.

Qua 10 năm của phong trào đầu tư vào nông nghiệp, phần lớn thời gian này đã xuất hiện sự bỉ bai về trồi sụt cổ phiếu, những món nợ, tỷ lệ đóng góp bé nhỏ của nông nghiệp vào doanh thu của doanh nghiệp, hay vài cuộc tháo chạy…. Thực tế đã chỉ ra rằng làm nông không phải cứ gieo xuống là gặt được. Tuy nhiên, làn sóng đầu tưvẫn ngày một nhiều, nhưng chỉ những doanh nghiệp cũ, đủ kinh nghiệm thương trường và tiềm lực tài chính mới dám bẻ lái vào lĩnh vực này.

Bảo Ngọc (t/h)