Dự kiến dân số Việt Nam sẽ đạt mốc 100 triệu người vào trung tuần tháng 04. Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), đây nên được xem là cột mốc quan trọng đối với nước ta. Với 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là một trong 15 quốc gia có quy mô dân số trên 100 triệu. Hiện dân số Việt Nam xếp thứ ba Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines. Đây không chỉ là thị trường rộng lớn mà còn là nguồn nhân lực dồi dào.
Đại diện Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) đánh giá đây là dấu mốc quan trọng, mang đến nhiều cơ hội và thách thức. "Với quy mô 100 triệu người, làm sao để mỗi một cá nhân được ăn, học, đi làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội", ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số, chia sẻ.
Thời kỳ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử
Theo UNFPA, Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. Cụ thể, 21,1% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24.
Từ năm 2007, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", có nghĩa là cứ một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi hoặc trên 60 tuổi) thì có 2 người hoặc hơn trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Nói cách khác, bình quân 2 người lao động nuôi một người phụ thuộc.
"Thời kỳ dân số 'vàng' của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa", theo nhận định của UNFPA.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng đánh giá sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỷ vừa qua khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng. Việt Nam vừa phải tận dụng tối đa lợi thế cơ cấu dân số "vàng", nhưng song song đó lại đối diện với vấn đề già hóa dân số diễn ra quá nhanh, buộc phải thích ứng tốt thời kỳ này.
Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036. Đây là thời điểm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân. "Tốc độ già hóa quá nhanh, số lượng người cao tuổi quá lớn tạo ra nhiều thách thức rất lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta chưa giàu đã già", ông Đảng chia sẻ.
Thiếu hụt 47.000 trẻ em gái mỗi năm
Do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn biến trầm trọng, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm.
"Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059", cơ quan của Liên Hợp Quốc nhận định.
Trong những kiến nghị với Việt Nam, UNFPA cho rằng các cá nhân và các cặp vợ chồng nên được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Phải đảm bảo mọi phụ nữ, bà mẹ và cặp vợ chồng có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, các chính sách xã hội hỗ trợ trẻ em và có thể xem xét hỗ trợ nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ.
Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên. Ngoài ra, Việt Nam cần lồng ghép một cách thận trọng yếu tố biến động dân số và phân tích nhân khẩu học vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững.
Minh An (T/h)