Theo Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 22/11, Chính phủ đặt mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

Việt Nam sẽ đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, duy trì cơ cấu tuổi hợp lý. Cụ thể, tỷ lệ trẻ dưới 15 tuổi đạt 22%; tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên đạt 11%; tỷ lệ phụ thuộc chung đạt 49% dân số cả nước.

Chính phủ kỳ vọng, năm 2030 tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm.

Chiều cao nam giới đạt 1,685 m; nữ đạt 1,575 m (năm 2016, chiều cao trung bình của nam là 164,4 cm và nữ 153,4 cm); chỉ số Phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ảnh minh họa

Theo Chiến lược Dân số Việt Nam, đến năm 2030 quy mô dân số 104 triệu người

Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số...

Bên cạnh đó, phát triển thị trường bảo hiểm, bao gồm bảo hiểm nhà nước, bảo hiểm thương mại theo hướng đa dạng hóa các gói bảo hiểm, với nhiều mệnh giá tương ứng các gói dịch vụ khác nhau bảo đảm các nhóm dân số đặc thù được bình đẳng trong việc tham gia và thụ hưởng các dịch vụ phúc lợi, an sinh xã hội. Nghiên cứu, thí điểm tiến tới hình thành quỹ dưỡng lão trên cơ sở đóng góp của người dân, bảo đảm mọi người đều được chăm sóc khi về già.

Hằng Vương