Viêm ruột do virus nguy hiểm như thế nào?

Viêm ruột do virus là một trong những bệnh lý phổ biến trong nhi khoa. Virus gây bệnh gọi chung là Enterovirus, có thể kể đến như virus rota (rotavirus), virus noro (noroviruses),... tác động đến niêm mạc dạ dày của bệnh nhân, gây viêm đường tiêu hóa và tình trạng tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy cấp do virus rota là bệnh rất phổ biến. Theo các chuyên gia, 95% trẻ em mắc virus rota ít nhất một lần trong đời, có tới hơn 90% trẻ nhỏ dưới 3 tuổi từng hơn một lần bị nhiễm loại virus này. Tác hại của việc nhiễm virus rota không chỉ dừng lại ở tiêu chảy, mà còn có thể dẫn đến tử vong do mất nước nặng. Mỗi năm trên thế giới, tiêu chảy cấp do rotavirus tước đi sinh mạng của hơn 600.000 trẻ em. Tại Việt Nam, cứ hai trẻ nhập viện do tiêu chảy thì có một trẻ nhiễm rotavirus.

Bệnh viêm ruột do virus là bệnh lý, có tính chất lây lan rất nhanh, nguy cơ thành dịch cao và lây chủ yếu qua đường phân - miệng hoặc đường tay - miệng. Virus khi vào cơ thể sẽ ủ bệnh ở họng và phân trong vài ngày trước khi có dấu hiệu bệnh rõ ràng.

Một em bé đang được uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus tại trung tâm tiêm chủng VNVC
Một em bé đang được uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus tại trung tâm tiêm chủng VNVC.

Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm ruột do virus và biến chứng nguy hiểm

Trẻ khi bị nhiễm rotavirus có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng rõ ràng xuất hiện. Các triệu chứng cơ bản của tiêu chảy cấp do rotavirus bao gồm:

- Nôn ói và tiêu chảy là dấu hiệu đầu tiên của bệnh viêm ruột do virus. Tình trạng nôn ói có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

- Phân lỏng toàn nước, phân có lúc màu xanh, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu - đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với tiêu chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày - có khi đi hơn 20 lần trong ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.

- Sốt vừa phải, đau nhức các cơ kèm đau bụng.

- Một số trường hợp còn kèm theo ho và sổ mũi…

- Trẻ sụt cân, có biểu hiện mất nước như khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Viêm ruột do virus gây ra rất nhiều chứng bệnh khác nhau. Đa số các trường hợp nhiễm có biểu hiện nhẹ và tự hồi phục mà không cần phải điều trị. Một số ít các trường hợp khác có biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não hoặc bại liệt… Tiêu chảy cấp khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng giảm sút, tình trạng bệnh dễ trở nặng. Khô kiệt do mất nước và mất muối là biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất của tiêu chảy cấp do rotavirus, khiến người bệnh dễ trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus. Kháng sinh được sử dụng trong điều trị viêm ruột nhiễm khuẩn nhưng lại không có tác dụng đối với virus đường ruột. Theo các chuyên gia của Hệ thống Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC: “Tiêu chảy cấp do rotavirus thường có triệu chứng nặng, liên tục nhiều ngày, kèm nôn mửa nhiều nên việc điều trị sẽ gặp khó khăn. Trong trường hợp không thể bù dịch bằng đường uống, trẻ cần nhập viện để truyền dịch qua đường tĩnh mạch”

Trẻ nên được uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus sớm từ 6 tuần tuổi
Trẻ nên được uống vắc xin ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus sớm từ 6 tuần tuổi.

Phòng ngừa và điều trị viêm ruột do virus

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận, chủng ngừa bằng vắc xin là giải pháp được ưu tiên và nên được thực hiện càng sớm càng tốt để phòng ngừa bệnh tiêu chảy và viêm dạ dày ruột cấp do virus rota gây ra ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, vắc xin uống chỉ ngừa được tiêu chảy cấp gây ra do virus rota, trong khi có rất nhiều tác nhân khác gây ra bệnh tiêu chảy cấp. Do đó, sau khi cho trẻ uống vắc xin, phụ huynh cũng nên tuân thủ quy tắc phòng bệnh như ưu tiên bú mẹ ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh sử dụng nước uống không hợp vệ sinh như nước lấy từ dòng suối, nước giếng và nước chưa được đun sôi kỹ. Nên sử dụng thực phẩm đã được nấu chín, không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá lâu, luôn dự trữ thực phẩm tươi sống bên trong ngăn mát của tủ lạnh.

Các chất thải của người và gia cầm, gia súc, vật nuôi phải được tập trung ở những khu cách ly với nơi sinh sống, không chỉ để tránh phát tán các vi khuẩn gây viêm ruột mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Hằng Trần