THCL Dư luận kỳ vọng, nếu hình thức đấu thầu thuốc tập trung của Bộ Y tế kết hợp được với hệ thống mạng đấu thầu quốc gia - sẽ bảo đảm tính công khai minh bạch. Đó cũng sẽ góp phần đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng trong đấu thầu dược phẩm.
Sau 3 năm thí điểm, hình thức đấu thầu qua mạng đang được liên bộ nghiên cứu đưa vào Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi.
Loại trừ yếu tố quen biết
Hình thức đấu thầu thuốc tập trung sẽ có ý nghĩa lớn đối với người dân: Đưa giá thuốc về mức hợp lý. Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra đó là rất nhiều loại thuốc chữa bệnh, đấu giá xong thì giá lại cao hơn giá thị trường gấp nhiều lần.
Đơn cử, cùng một loại thuốc, nhưng mỗi bệnh viện đấu thầu mỗi kiểu khiến thị trường thuốc rối tung rối mù, giá thành thuốc bị đẩy lên cao. Dễ thấy là tình trạng chênh lệch lớn về giá trúng thầu giữa các bệnh viện, dù cùng loại thuốc, cùng hoạt chất, cùng nhà sản xuất và cùng nhà cung cấp. Chưa kể, tỷ lệ thuốc kém chất lượng trên thị trường năm 2014 ở mức 3%, thuốc sản xuất trong nước kém chất lượng vẫn còn 2,3%, thuốc giả còn 0,4%. Chắc chắn, số lượng không nhỏ những thuốc kém chất lượng này qua cửa đấu thầu lọt vào được bệnh viện. Điều này khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin vào sự minh bạch của công tác này.
Theo bảng giá thuốc kê khai do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố, trong số các mặt hàng dược phẩm tăng giá, hiện có trên 50 lượt thuốc nhập khẩu tăng giá, trong khi đó, thuốc sản xuất trong nước là 606 lượt, chiếm khoảng 2,5% trong tổng số 25.000 mặt hàng thuốc lưu hành trên thị trường. Thống kê của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, trong năm 2014, Việt Nam có tới 656 mặt hàng thuốc tăng giá, trong đó có 84 loại thuốc nhập khẩu và 572 thuốc sản xuất trong nước.
Thậm chí, có những vụ việc tham nhũng thuốc trong công tác đấu thầu ngày càng nghiêm trọng như tại Gia Lai, phiên tòa xử vụ án tham nhũng nghiêm trọng của một số cán bộ lãnh đạo Sở Y tế sắp xét xử lại từ thủ tục sơ thẩm. Cáo trạng đã chỉ ra rằng qua đấu thầu thuốc bệnh viện, các nghi can đã tham nhũng và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 8,2 tỷ đồng.
Một lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, cơ quan này vừa có văn bản thông báo tạm thời dừng thanh toán 23 loại thuốc có hàm lượng không thông dụng, trúng thầu giá cao sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế. So với thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, giá các loại thuốc không thông dụng này đều cao hơn tới 50%. Mặc dù sản phẩm khác biệt về giá, nhưng có khi lại cùng nhà sản xuất, quốc gia sản xuất, thậm chí sản phẩm này còn có giá cao hơn hẳn so với thuốc xuất xứ từ châu Âu - nơi có trình độ bào chế dược phẩm cao.
Thành lập hội đồng đấu thầu
Khắc phục những bất cập của đấu thầu thuốc chữa bệnh là nhiệm vụ cấp bách của ngành y tế. Theo nội dung trên trang face book của Bộ trưởng Bộ Y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh sẽ thành một chương riêng trong Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, có quy định cụ thể việc đấu thầu qua mạng.
Tại Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định rõ việc đấu thầu qua mạng đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn thiện. Mới đây, ngày 8/9/2015, liên Bộ Kế hoạch Đầu tư và Tài chính đã ban hành TTLT số 07 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng, có hiệu lực từ tháng 11/2015.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính chuẩn bị thành lập Hội đồng đấu thầu tập trung. Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc đấu thầu, thuốc mua tập trung và các thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá; đồng thời xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Với quy định mới này, các nhà đầu tư không biết mặt nhau nên loại trừ được yếu tố quen biết, phòng chống được tham nhũng.
Khi thực hiện đấu thầu qua mạng, nhà đầu tư có thể đăng ký đấu thầu ở mọi lúc, mọi nơi. Sau các thủ tục đăng ký, buổi mở thầu cũng chỉ diễn ra 5 phút, máy ghi lại tất cả số liệu của nhà thầu, các giao dịch trên mạng…
Ngoài ra, ưu điểm mới của dự thảo đó là khi đấu thầu tập trung, sẽ khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá và sự chênh lệch giá giữa các đơn vị đấu thầu. Đây chính là kẽ hở của Luật Đấu thầu đang được áp dụng hiện nay.
Thách thức doanh nghiệp nội
Theo quy định, đấu thầu tập trung là các hãng dược sẽ cùng đấu thầu một loại thuốc với mức giá khác nhau. Đơn vị đấu thầu có mặt hàng với chất lượng tốt nhất, giá thành mềm nhất, sẽ cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị bệnh có nhu cầu mua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại, với phương pháp đấu thầu này, DN trong nước sẽ khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại về giá cả với một loại thuốc cùng hoạt chất như thuốc của các DN Ấn Độ, Trung Quốc sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia ngành dược cũng thừa nhận, nếu DN trúng thầu, sẽ phải cung ứng thuốc cho cả nước, tăng từ 60 - 200% sẽ quá tải đối với DN trong nước.
Hiện nay, các DN sản xuất thuốc trong nước chủ yếu là có dây chuyền nhỏ với lượng cung ứng ra thị trường khoảng 20 – 30%. Vì vậy, khi Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực - sẽ là thách thức lớn cho DN trong nước. Ngoài ra, việc cam kết ổn định giá cũng là nỗi lo của DN khi giá nguyên liệu không ngừng biến động, trong khi nguồn nguyên liệu do các DN nội sản xuất chủ yếu nhập từ nước ngoài. Nếu không chủ động được nguồn cung khi giá nguyên liệu tăng - sẽ dẫn đến nguy cơ DN bị phá sản.
Như vậy, bên cạnh những mặt tích cực nếu Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực, cũng sẽ gây không ít khó khăn cho DN dược vừa và nhỏ trong nước.
Vấn đề khiến dư luận quan tâm nhất chính là giá của một số loại vaccine nhập khẩu tiêm chủng dịch vụ như vaccine “5 trong 1” Pentaxim của Pháp hay vaccine “6 trong 1” Infanrix Hexe của Bỉ và một số loại vaccine khác của ngoại cũng đang tăng giá thêm từ vài chục cho tới vài trăm nghìn đồng/liều. |
Thanh Thanh (Thương hiệu & Công luận)