THCL Hành vi chuyển giá của các DN FDI đã diễn ra hàng chục năm nay. Tuy nhiên, khi báo chí, các chuyên gia kinh tế lên tiếng với một dư luận mạnh mẽ thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các ngành liên quan mới vào cuộc.

Ảnh minh họa

Lại nói “trách nhiệm”…

Thực chất hành vi chuyển giá là để trốn thuế một cách tinh vi, nhưng với thủ đoạn cao hơn. Hành vi này ở quốc gia nào cũng có, chỉ có tăng lên hoặc giảm đi theo tiến độ và sự tích cực của các cơ quan quản lý.

Có thể khẳng định rằng, mặc dù chưa kiểm tra song không phải chỉ riêng DN FDI trốn thuế, chuyển giá mà DN Việt Nam cũng có những hành động vi phạm tương tự nhưng… “chưa bị lộ”. Vì vậy, thật thiếu công bằng khi chúng ta kiểm tra DN FDI mà không kiểm tra các DN Việt Nam có doanh thu lớn, có tác động lớn đến một số mặt hàng thiết yếu.

Kinh tế ngầm ở Việt Nam là khá lớn. Không khó để có thể quan sát, nhìn thấy và đánh giá được hiện tượng này. Bởi lẽ, giao dịch mua bán ở Việt Nam hầu hết bằng tiền mặt, qua rất nhiều tầng lớp trung gian, quan hệ thanh toán bằng tiền mặt chiếm phần lớn tỷ trọng giao dịch trên thị trường hiện nay. Hóa đơn chứng từ, sổ sách rất phức tạp và hầu như không được ghi chép một cách đầy đủ, nhiều DN có 2 - 3 loại sổ sách, chỉ những DN làm ăn nghiêm túc mới xuất hóa đơn VAT, còn lại là không hóa đơn, hóa đơn trực tiếp và thanh toán bằng tiền mặt. Đây là một lỗ hổng lớn, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, làm “hỏng” các DN, làm tha hóa một bộ phận cán bộ chuyên quản lý DN như thuế, hải quan, công an, quản lý thị trường, biên phòng… Hệ lụy, các DN làm ăn nghiêm túc bị thiệt thòi, đồng thời giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Để xảy ra tình hình trốn thuế, chuyển giá ở các DN là có phần trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Bộ Công thương, lực lượng công an, biên phòng… Chúng ta phải chịu trận khi mà sự việc này kéo dài nhiều năm nay, gây nhiều bất bình trong dư luận.

Phải làm những gì?

Trước hết, cần phải trong sạch hóa đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về thuế, về quản lý thị trường trước khi muốn chống chuyển giá trốn thuế có hiệu quả. Cần phải nuôi cán bộ thuế cho tương đối đủ để không vi phạm bảo kê cho DN. Đồng thời, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân trốn thuế, chuyển giá và những cán bộ chuyên quản tiếp tay cho các DN đó.

Để giảm đến mức thấp nhất các hiện tượng nói trên, chúng ta phải xây dựng một luật chống chuyển giá. Quốc hội, Chính phủ phải làm vấn đề này, coi đây là vấn đề quốc sách, sống còn của chính sách thu - chi tài chính quốc gia, đồng thời tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trước pháp luật cho các DN.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra tình hình chấp hành luật thuế, luật chống chuyển giá, thanh quyết toán thuế kịp thời, phát hiện các vấn đề trong quá trình kiểm tra. Qua kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trốn thuế chuyển giá, biểu dương các đơn vị làm ăn tốt. Mặt khác, xây dựng mạng lưới kiểm tra, giám sát của nhân dân, các chuyên gia kinh tế và báo chí để phát hiện kịp thời các hành vi đó.

Đặc biệt, cần công khai doanh thu, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, nghĩa vụ nộp ngân sách của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên các địa bàn để giám sát và kiểm tra, thực hiện việc cam kết chống chuyển giá, trốn thuế. Đơn vị vi phạm sẽ phải phạt gấp 5 - 10 lần số thuế trốn hoặc số tiền chuyển giá đã vi phạm. Việc xử lý vừa qua của cơ quan thuế đối với Metro hơn 500 tỷ đồng là quá nhẹ, cần phải phạt vì vi phạm trốn thuế hàng chục năm nay trên thị trường nội địa Việt Nam.

Chúng ta hãy làm ráo riết, quyết liệt, nghiêm minh trách nhiệm, đội ngũ đi làm kiểm tra phải trong sạch, vững mạnh. Có như vậy mới loại bỏ những DN trốn thuế chuyển giá đang tồn tại hiện nay trên thị trường Việt Nam. Điều quan trọng, chúng ta có tổ chức thực hiện thật tốt để làm việc này hay không? Trên thực tế, điều này chúng ta đang yếu, vì có nghị quyết, có chỉ thị nhưng tổ chức thực hiện không đến nơi đến chốn, dẫn đến nhờn phép nước, cán bộ mắc khuyết điểm, DN làm ăn vi phạm pháp luật nhởn nhơ mà không bị nghiêm trị.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú