Bên cạnh công tác dự báo, cảnh báo, thì việc cung cấp kiến thức, kỹ năng sinh tồn ở các vùng có nguy cơ hứng chịu thảm họa thiên tai có thể giúp bản thân người dân địa phương bảo toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về người trong khi chờ lực lượng chức năng đến ứng cứu.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kỹ năng sinh tồn Trần Việt, hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ.

PV: Hiện nay các quốc gia trên thế giới có hệ thống thông tin cảnh báo đến người dân như thế nào khi xảy ra các thảm họa thiên tai? Kinh nghiệm nào có thể áp dụng tại Việt Nam?

Chuyên gia Trần Việt: Tôi đã sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tôi đã nghiên cứu FEMA  - cơ quan Quản lý Tình trạng khẩn cấp liên bang của Hoa Kỳ chuyên giúp đỡ người dân trước, trong và sau thảm họa.

Họ có các chương trình đào tạo quản lý tình huống khẩn cấp cho các cán bộ địa phương, đặc biệt các vùng hay xảy ra thiên tai, hỏa hoạn. Ví dụ như bang California hay xảy ra cháy rừng, bang Texas hay xảy ra bão lụt.

Họ có hệ thống cảnh báo quốc gia sẽ đưa ra báo động từ thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thông qua điện thoại.

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT
Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Ở nhiều nước Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã áp dụng hệ thống này. Tôi nghĩ chúng ta có thể mở các lớp đào tạo về sơ cứu, ứng phó tình huống khẩn cấp cho sinh viên ở các trường đại học như là những hoạt động ngoại khóa.

Một số quốc gia cũng có app PCTT nhưng mới chỉ là app thông báo thông tin thiên tai, thời tiết, không cung cấp kỹ năng sống sót nên nhiều khi người dân không quan tâm. Chúng ta có thể là quốc gia đầu tiên phổ biến kiến thức về kỹ năng sinh tồn đến toàn dân.

Tôi hy vọng với kiến thức và kỹ năng đối phó sẽ giảm thiểu được thiệt hại, tăng khả năng sinh tồn của người dân trong vùng thiên tai và hỗ trợ được cho cơ quan Nhà nước trong việc cứu hộ, cứu nạn

PV: Giải pháp nào để công tác cứu trợ hiệu quả và đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng sinh tồn cho những người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng thảm họa thiên tai?

Chuyên gia Trần Việt: Bên cạnh các hoạt động cứu trợ của Chính phủ, Quân đội, Cảnh sát , Mặt trận tổ quốc, người dân cũng có những hoạt động cứu trợ tự phát, lá lành đùm lá rách.

Để hoạt động này không bị rối loạn, chỗ thừa chỗ thiếu, cũng cần có một công cụ hỗ trợ quản lý, điều phối hoạt động cứu trợ, cứu nạn.

Tôi có đưa ra giải pháp làm App ứng phó thiên tai, không chỉ là ứng phó trong trường hợp khẩn cấp như bão lụt, mà còn hỏa hoạn, dịch bệnh. App có nhiều module, module dành cho những người ở khu vực thiên tai, module dành cho các tình nguyện viên, nhà hảo tâm; module dành cho cơ quan quản lý, điều phối hoạt động cứu trợ, cứu hộ.; module về kiến thức về thiên tai, các hoạt động phòng tránh thiên tai dịch bệnh; danh bạ các số điện thoại khẩn cấp của các đội cứu hộ, cứu nạn, hotline của chỉ huy cứu hộ…

Ảnh: Quang Hùng/VOVGT
Ảnh: Quang Hùng/VOVGT

Module dành cho người dân đang ở vùng khẩn cấp, app sẽ có các phần cảnh báo, đèn flash sẽ lóe lên, âm thanh cảnh báo sẽ phát ra. App có hướng dẫn kỹ năng sinh tồn, sơ cứu, cấp cứu, hô hấp nhân tạo cứu người bị ngạt khói do hỏa hoạn với thông tin, hình ảnh, video hướng dẫn dễ hiểu.

Nếu ở khu vực cô lập, người dân có thể cứu tự mình trước khi lực lượng cứu hộ tới. VD như 115 người mất tích vừa được tìm thấy sống sót vì biết cách di chuyển lên cao, khu vực an toàn để lánh lạn, biết cách sử dụng các vật liệu địa phương để lập lán, che mưa, che nắng. Với kiến thức, kỹ năng sinh tồn như thế này được phổ cập đến người dân, những tin vui như thế này ngày càng nhiều hơn.

Trong module dành cho những người tình nguyện, bên cạnh tấm lòng nhân ái, cũng cần có những ký năng. App sẽ giúp cho các nhà quản lý các hoạt động cứu hộ, cứu trợ trong việc dùng người đúng người, đúng việc, đúng kỹ năng, chuyên môn.

Các bạn đi vào vùng sâu, vùng xa, cần những kiến thức kỹ năng như cấp cứu, chữa cháy, bơi lặn, cứu hộ… Những người đi cứu hộ phải có khả năng cứu người chứ không sẽ tốn thêm công chăm sóc.

Trước các mùa thiên tai, dịch bệnh, phần mềm sẽ hiển thị và hướng dẫn người dùng xem các clip về thảm họa thiên tai, cách đề phòng bão lũ, cách di chuyển an toàn trong bão lũ, hỏa hoạn; cách di chuyển; cách bảo vệ phổi, đường hô hấp khi môi trường ô nhiễm khói bụi, các phương pháp vệ sinh cá nhân...

Người dân sẽ được tiếp cận thông tin chính thức căn bản về thiên tai từ nguồn chính thống. Việc phổ biến kiến thức này sẽ tránh hoảng loạn trong khủng hoảng; giữ được tâm lý bản lĩnh, bình tĩnh và fake news.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo VOV.VN