THCL - Đề án “Đẩy mạnh việc tham gia vào các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng khu vực và quốc tế” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đẩy mạnh tham gia các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng - Hình 1

Hiện nay, Việt Nam đang là thành viên của 6  thể chế tài chính tiền tệ ngân hàng khu vực và quốc tế (TCTCNHQT), bao gồm: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB), Ngân hàng Hợp tác Kinh tế Quốc tế (IBEC) và mới đây nhất là Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) với tư cách thành viên sáng lập.

Tham gia các TCTCNHQT, sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của các quan hệ kinh tế tài chính quốc tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, thông tin, lao động… tạo cơ hội cho Việt Nam tận dụng được thị trường thế giới, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để tăng cường tham gia các TCTCNHQT đến năm 2020, tầm nhìn 2030, chúng ta cần đảm bảo được 3 nhiệm vụ cơ bản. Đầu tiên là nâng cao hiệu quả tham gia các TCTCNHQT. Trong đó, tham gia tích cực vào các hoạt động, xây dựng chính sách, sáng kiến, chương trình tăng vốn, cơ cấu lại và cải cách của các tổ chức này nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam tại các TCTCNHQT, tiến tới có được các vị trí chủ chốt như giám đốc điều hành hoặc giám đốc điều hành phụ khuyết tại các tổ chức này.

Tiếp đó, cần tăng hiệu quả sử dụng các nguồn hỗ trợ từ các TCTCNHQT, đẩy mạnh tư vấn chính sách và tận dụng hợp tác kỹ thuật cho phát triển kinh tế. Cần có kế hoạch và chiến lược tiếp cận với các nguồn vốn kém ưu đãi, thương mại và khai thác các sản phẩm khác phù hợp với vị thế của Việt Nam là nước có thu nhập trung bình; tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa khi Việt Nam tham gia hiệu quả các định chế, tổ chức kinh tế, tài chính khu vực cũng như toàn cầu sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường vốn và dịch vụ tài chính ngân hàng ở các thể chế và thị trường tài chính của các nước thành viên với điều kiện thuận lợi và giá cả phù hợp để xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, tham gia vào các TCTCNHQT tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia tích cực hơn vào các quá trình hợp tác liên kết quốc tế, tham gia thiết lập trật tự kinh tế quốc tế công bằng hơn, hợp lý hơn, thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa và bình đẳng hóa các quan hệ quốc tế. Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thông qua các diễn đàn tài chính tiền tệ quốc tế.

Việc tham gia các tổ chức, định chế khu vực và thế giới sẽ giúp Việt Nam có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách tài chính tiền tệ toàn cầu, có tiếng nói được tôn trọng hơn, có quyền thương lượng và khiếu nại công bằng hơn đối với các tranh chấp trong khuôn khổ tổ chức, định chế quốc tế, do đó có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp.

Hải Minh