THCL Theo TS. Bùi Tín Nghị, GĐ Học viện NH, hầu như không có cơ hội lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận một thực tế hiển nhiên là chúng ta phải bị cuốn theo cơn lốc toàn cầu hóa tài chính. Vấn đề đặt ra là quyết định hội nhập như thế nào?

Cần lựa chọn chính sách để tránh được những cuộ khủng hoảng tiềm tàng

Dự báo rủi ro tín dụng

Toàn cầu hóa tài chính là một phần không thể thiếu được của toàn cầu hóa kinh tế. Toàn cầu hóa thị trường tài chính (TTTC) làm cho TTTC của một quốc gia ngày càng hội nhập vào mạng lưới TTTC của thế giới.

Có thể nói, quá trình toàn cầu hóa tài chính đã diễn ra với một tốc độ nhanh chóng trong những thập kỷ vừa qua. Sự phát triển của các sản phẩm tài chính mới, nhất là sự ra đời của hàng loạt công cụ phái sinh tài chính phi tập trung (OTC) và sự dỡ bỏ các rào cản đối với di chuyển vốn quốc tế đã làm cho TTTC của các nước trên thế giới có sự liên hệ chặt chẽ hơn.

Tại Hội thảo “Phát triển bền vững TTTC Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, nhiều ý kiến cho rằng, TTTC nói chung cần thiết đến mức, nếu thiếu sự quan tâm, không cải cách thì Việt Nam sẽ không duy trì được tốc độ tăng GDP ở mức cao.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN cho biết, Việt Nam đang từng bước thực hiện theo đúng lộ trình cam kết quốc tế về TTTC. Cụ thể, việc hạ thấp các rào cản gia nhập thị trường, cho phép chào bán các dịch vụ tài chính đã tạo nên sự đa dạng các chủng loại hàng hóa, kênh đầu tư trên thị trường, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chuyên gia tài chính - TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NH Việt Nam nhìn chung không cao. Các NH đang áp dụng theo tiêu chuẩn Basel I nên CAR là 11%.

Nếu lên Basel II theo lộ trình mà NHNN đang đề ra thì CAR giảm xuống còn 7,8 - 8%, vừa không đạt mức tối thiểu (theo quy định của NHNN là 9%), vừa gây rủi ro bởi các NH hiện có vốn mỏng, tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) chỉ đạt mức 0,6%.

Ông Lực cho hay, nếu tăng trưởng tín dụng quá nhanh mà không có sự kiểm soát tốt, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng.

TS. Đào Minh Phúc (NHNN) nhận định, thói quen thanh toán bằng tiền mặt tạo những khó khăn trong hoạt động của các NHTM và gây khó khăn cho NHNN trong quản lý nhà nước về tiền tệ tín dụng NH và điều hành, thực thi chính sách tiền tệ quốc gia. Bên cạnh đó, mạng lưới NH phân bổ chưa đều khiến kinh tế phát triển không đồng đều giữa các khu vực, vùng, miền ở Việt Nam.

“Ứng phó” như thế nào?

Theo TS. Bùi Tín Nghị, rủi ro “bầy đàn” sẽ được giảm thiểu trong một TTTC có tính minh bạch thông tin cao. Phải xây dựng được chính sách kiểm soát được dòng vốn để cho các nhà đầu tư nắm bắt. Một khi được kết hợp với những chính sách kinh tế vĩ mô khác, kiểm soát vốn sẽ làm thay đổi một cách hợp lý kết cấu của dòng vốn chảy vào theo hướng chúng ta ngầm khuyến khích các dòng vốn dài hạn, từ đó hạn chế rủi ro bay hơi tài chính và vỡ nợ.

Theo nhiều chuyên gia, cần sớm có các giải pháp phát triển TTTC một cách đồng bộ, kịp thời, hài hòa từ tất cả các bên có liên quan tham gia trên TTTC nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các chủ thể nội địa trên TTTC Việt Nam trong môi trường kinh doanh mới ngày càng phức tạp.

Để đảm bảo sự bền vững của TTTC, TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đưa ra lời khuyên, cần đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa các NHTM có vốn của Nhà nước, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần xử lý kiên quyết, dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém và đẩy mạnh cơ cấu lại các NHTM được NHNN mua lại.

Đối với một số tổ chức tín dụng yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu mà việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng và thị trường tiền tệ, theo TS. Đông, phải tổ chức triển khai biện pháp phá sản.

Đức Thế