Đại biểu Quốc hội Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang)
Phân tích về vấn đề môi trường hiện nay, ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang) dẫn số liệu kết quả điều tra năm 2018 cho thấy, trên 70% người dân quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhiều tồn tại, hạn chế dù đã được cơ quan chức năng chỉ đạo nhưng việc khắc phục còn chậm, nhiều nơi tập kết rác chính là nơi gây ô nhiễm.
Công tác xã hội hóa hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải chưa cao; tổ chức việc thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác chưa đồng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tuy đã được tăng cường chỉ đạo quyết liệt, nhưng một số nơi chưa xử lý dứt điểm.
Việc kiểm soát nước thải tại nhiều đô thị chưa tốt, mới có 12,5% lượng nước thải đô thị loại 4 được xử lý và 46,5% các địa phương có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại đô thị, tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao. "Ô nhiễm nguồn nước, không khí, an toàn thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại", đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) lưu ý, công tác quản lý nhà nước, cụ thể là quản lý nguồn nước ngọt và các nhà máy nước vừa qua đang có nhiều bất cập cả trong quy hoạch, khai thác và bảo vệ. Qua nhiều sự cố liên quan đến xả thải của các doanh nghiệp ra biển, các dòng sông đã gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho người dân sinh sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản. Gần đây, sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho người dân của Nhà máy nước sông Đà cho thấy, công tác quản lý nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn sơ hở, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng), nếu như trước đây, ô nhiễm là vấn đề nhỏ lẻ thì đến nay đã trở thành nghiêm trọng. Tất cả những gì liên quan đến rác thải rắn, nhựa, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí trước mắt là vấn đề đời sống xã hội, nhưng sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề an ninh trật tự, hay nghiêm trọng hơn là vấn đề chính trị.
Để giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ĐBQH Ngô Sách Thực cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo, bổ sung hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, hoàn thiện cơ chế người xả thải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng bị truy tố trước pháp luật. Đồng thời, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong xử lý nước thải; tổ chức biểu dương các sáng kiến hoạt động, cách làm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong nhân dân hàng năm và định kỳ...
PV