Sau hơn 4 năm triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”, gần 9.400 tỷ đồng được đầu tư mua sắm, sử dụng thiết bị dạy học đang bộc lộ nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.
Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 bộc lộ nhiều bất cập
“Nóng” về thiết bị
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận xét về thực trạng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam: “Chất lượng thầy cô còn thấp, nhiều em học ở trung tâm về phát âm đúng thì cô lại cho rằng sai - đã khẳng định sự mất cân đối trong công tác đầu tư, gây thất thoát một số tiền lớn.
Theo các chuyên gia giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tiếp đó mới đến đầu tư mua sắm trang thiết bị. Thế nhưng, thực tế lại khác xa hoàn toàn. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh, đã mạnh tay đầu tư nguồn kinh phí lên tới 87 tỷ đồngg cho trang thiết bị, trong khi kinh phí bồi dưỡng giáo viên là gần 20 tỷ đồng. Tại Đà Nẵng, năm học 2013 – 1014, kinh phí bồi dưỡng giáo viên chỉ có 320 triệu đồng, nhưng đầu tư trang thiết bị lên tới 2,7 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy đã có sự hoán đổi vị trí, thứ tự ưu tiên trong quá trình thực hiện đề án ở nhiều địa phương. Thậm chí, có một khoảng cách rất lớn trong việc phân bổ kinh phí ở 2 hạng mục quan trọng này. Rõ ràng, đây không còn là câu chuyện cá biệt của một vài địa phương nào đó, mà việc ưu ái đầu tư cho hạng mục trang thiết bị đã và đang trở thành câu chuyện “nóng” ở nhiều tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Trúc, Phó chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, hiện nay, đang xảy ra tình trạng lãng phí trong đầu tư trang thiết bị cho đề án. Ví dụ, mua thiết bị hiện đại, nhiều tính năng, đắt tiền nhưng không trang bị phần mềm dạy học tiếng Anh. Một số địa phương, ngân sách mua thiết bị rất lớn, nhưng vốn đối ứng để nâng cấp cơ sở vật chất yếu nên cách âm các phòng học tiếng không đảm bảo, ẩm thấp, thiết bị xuống cấp. Trong khi đó, công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên còn nhiều bất cập.
Trước hết phải khẳng định, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngoại ngữ đóng vai trò then chốt và là chìa khóa để phát triển hội nhập. Vì vậy, với mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thanh thiếu niên vào năm 2020 là rất cần thiết và chính đáng. Song, dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng, đề án đang bị lợi ích nhóm chi phối?
Khi triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 từ năm 2011 – 2015, UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt kinh phí dự toán giai đoạn này là gần 73 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2011 -2013, Quảng Trị đã được phân bổ gần 19 tỷ đồng từ nguồn NSNN. Thế nhưng, số tiền trên đã không được chi tiêu đúng mục đích nên đã xảy ra tình trạng kiện cáo giữa Phòng GD-ĐT và lãnh đạo một số trường phổ thông trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Minh, chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học tỉnh Quảng Trị thẳng thắn: “Chúng tôi có 3 phòng máy rất hiện đại phục vụ dạy học ngoại ngữ ở bậc phổ thông, nhưng từ khi sắm thêm 1 phòng hơn 1 tỷ đồng thì 3 phòng đó chết ngắc, không có 1 tiết tiếng Anh nào được dạy ở đây. Vừa rồi, trang bị 39 phòng máy cơ bản cho tiểu học với kinh phí 3,2 tỷ đồng rồi đang tiếp tục làm tiếp 21 phòng nữa trị giá 4,2 tỷ đồng. Gần như quyết định mua phòng máy đó là bộ phận mua sắm cơ sở vật chất làm, có hỏi chuyên viên chúng tôi cũng không biết đánh giá hiệu quả của nó như thế nào!”.
Ai hưởng lợi từ đề án?
Chuyên viên phòng giáo dục một tỉnh nọ khẳng định, qua thanh tra phát hiện tình trạng lãng phí trong đầu tư trang thiết bị cho đề án. Nhiều trường mua tràn lan các trang thiết bị bất chấp đó là những thiết bị đã cũ, đã lỗi thời. Tuy nhiên khi nghiệm thu thanh toán, không hiểu sao các thiết bị này đã bị “đội” giá lên gấp 3 - 4 lần. Điều đáng nói là khi những thiết bị này được ưu ái “rinh” về thực sự không phát huy được tác dụng.
Thực tế, ngay từ khi bắt tay thực hiện đề án, hầu hết các sở GD–ĐT các tỉnh đã ồ ạt triển khai trên diện rộng, mà không có sự khảo sát, đánh giá tình hình thực tế. Điều này đã dẫn đến tình trạng có những huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc chưa có đường điện kéo đến, lớp học còn tồi tàn, dột nát, nhưng đã được trang bị máy tính để phục vụ đề án. Hiệu trưởng một trường tiểu học miền núi cho biết: Trường chúng tôi được cấp 2 máy tính, nhưng điện thì chưa có nên máy tính vẫn “đắp chiếu”! Nhiều hôm trời mưa, lớp học bị dột, thầy trò chịu ướt để lấy áo mưa che máy tính kẻo sợ hỏng.
Trong khi mơ ước của giáo viên, học sinh các trường vùng cao là có một ngôi trường đàng hoàng để giáo viên, học sinh yên tâm học tập mỗi lần nắng mưa, thì nay bỗng dưng lại được “ưu ái” tặng máy tính? Không biết, đến bao giờ những chiếc máy tính kia mới được vận hành và việc sử dụng các thiết bị đó ra sao với nhiều giáo viên vùng cao - cũng sẽ là bài toán khó.
Dường như đối với thầy trò vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì từ khi Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 được triển khai, đã có nhiều lợi ích lạ lùng. Lý giải vấn đề này, ông Minh cho rằng: “Ở Quảng Trị, toàn bộ thành phần Ban dự án chỉ là Sở GD-ĐT, không có Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính, UBND tỉnh. Lãnh đạo Sở GD-ĐT rất quan tâm đến việc mua sắm cơ cở vật chất, thiết bị vì dường như ở đây đang có nhiều lợi ích gì đấy (?!)”.
TS. Vũ Thị Tú Anh, Phó trưởng Ban thường trực BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho rằng, dẫu đề án mới triển khai được 4 năm, nhưng đã xuất hiện nhiều bất cập. “Có rất nhiều tồn tại trong công tác mua sắm này. Đây là điểm nóng của đề án. Nhiều địa phương chú trọng mua sắm thiết bị dạy học mới mà không chú ý đến việc sử dụng những thiết bị sẵn có. Mua sắm thiết bị công nghệ thông tin, nhưng không đồng bộ và thiếu các phần mềm ứng dụng phù hợp hay thiết bị mua về quá lạc hậu không sử dụng được. Một số nơi mua sắm ồ ạt, trong khi chưa có người đủ khả năng vận hành những thiết bị này… Tất cả những vấn đề phát sinh đó gây lãnh phí lớn, bức xúc trong nhân dân”.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị - sách và đồ chơi trẻ em tiết lộ, với mỗi đơn hàng cung cấp máy tính cho trường học, ngoài việc doanh nghiệp này phải chiết khấu 10% cho lãnh đạo nhà trường, theo yêu cầu của bên mua, doanh nghiệp này còn phải nâng giá bán lên khoảng 10 - 20% so với giá trị thực của sản phẩm trên hóa đơn đỏ.
Việc chăm chỉ mua sắm các máy móc, thiết bị mà chưa căn cứ vào năng lực sử dụng, điều kiện của giáo viên, sau đó lại giải thích do kế hoạch chưa sát với điều kiện thực tế của địa phương, do chưa có kinh nghiệm, do đó là giải pháp dễ triển khai… chỉ là ngụy biện bởi đằng sau đó là lợi ích nhóm. Đã đến lúc, Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn sửa sai, điều chỉnh, nếu không, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 khó đạt được mục tiêu.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ cho địa phương trong việc mua sắm trang thiết bị dạy học ngoại ngữ, trong đó, vai trò của Giám đốc sở GD-ĐT cực kỳ quan trọng. Phải chăng, do quá lạm dụng quyền tự chủ nên mới có sự cấu kết của một số lãnh đạo sở GD–ĐT và chủ doanh nghiệp cung cấp thiết bị? |
Thanh Hoa