Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Khi thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi kinh tế thì Quốc hội cũng kỳ vọng rằng kinh tế năm 2022 không chỉ đạt mục tiêu 6-6,5% mà còn tăng cao hơn nữa, đến 7%. Kỳ vọng này xuất phát từ việc nhìn thấy nhiều cơ hội mở ra rất tốt.

Đầu tiên, ai cũng đề cập đến là đại dịch. Khó khăn cũng là do đại dịch nhưng việc kiểm soát đại dịch ở Việt Nam đã có kinh nghiệm khá tốt, vừa là bài học, có những trả giá nhưng cũng là một kinh nghiệm để chúng ta xử lý khá nhanh nhạy trong việc chuyển hướng chính sách phòng, chống dịch từ Zero Covid sang sống chung an toàn với dịch thông qua Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thêm vào đó, ta đã có chuẩn bị các vũ khí, nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ngay như Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua có hẳn 1 nội dung, dành nguồn lực để sẵn sàng có tiền mua vắc xin, mua thuốc chữa bệnh hoặc các phương tiện khác khi cần, nói cách khác là vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho chủ động phòng, chống dịch.

Thị trường trong nước là yếu tố rất quan trọng để giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng
Thị trường trong nước là yếu tố rất quan trọng để giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Yếu tố thứ hai là chúng ta phải rất tự tin, dù có bối rối, có khó khăn vào thời điểm tháng Tư, tháng Năm nhưng đến nay đã quay trở lại khá chủ động, khá an toàn. Trong sự thành công đó, bên cạnh quyết sách kịp thời chuyển hướng quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Thủ tướng Chính phủ có vai trò, ý thức của người dân Việt Nam. Những điều này khiến ta tin tưởng rằng năm 2022 diễn biến dịch sẽ tốt hơn, song chúng ta vẫn không thể chủ quan.

Một cơ hội khá tốt cho năm 2022 là đà phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở khá cao. Điều đó là cơ hội để Việt Nam tiếp cận vào đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều các FTA thế hệ mới với các khối phát triển như CPTPP, EVFTA, song phương Hoa Kỳ và tới đây là RCEPT. Đây là cơ hội để một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu như Việt Nam gặt hái thành công.

Yếu tố thứ ba là một gói hỗ trợ phục hồi và phát triển. Quý IV/2021 ta vừa thoát khỏi vô cùng khó khăn, lúc đó chưa có gói hỗ trợ mới nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội thì tăng trưởng ta đã vươn lên. Năm 2022, với gói hỗ trợ mới, với kinh nghiệm đã có, chuyện đạt mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn nữa. Tất nhiên, chúng ta không vì thế mà ngồi im mà phải bắt tay vào hành động.

Mặc dù có tự tin, có chủ động trong kiểm soát dịch nhưng việc này vẫn phải là ưu tiên, vẫn phải luôn chú trọng, không được chủ quan. Nếu để diễn biến bất thường của đại dịch dẫn đến tình trạng đóng cửa nền kinh tế, đứt gãy như năm 2021 thì ngay lập tức ta sẽ lỡ nhịp so với đà phục hồi của thế giới. Việc trang bị các “vũ khí” như thuốc, vắc xin, thiết bị, cơ sở điều trị F0,… là những điều phải luôn đặt ra. Kèm theo đó là ý thức của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp cũng không được thả lỏng. Bởi vậy, đây là giải pháp đầu tiên, phải được nhắc đến.

Gói hỗ trợ phải tiếp tục thúc đẩy vào nhóm các ngành trụ cột cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 như các doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến chế tạo, để các nhóm này không những giữ đà phục hồi của năm 2021 mà còn tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường để chiếm lĩnh sâu và rộng hơn thị trường thế giới. Kể cả ngành nông nghiệp, không chỉ tập trung sản xuất mà quan trọng hơn là tạo tiền đề về các quan hệ thương mại về các tiêu chuẩn kiểm soát hàng hóa, tổ chức thương mại, tổ chức lưu thông để nông sản Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường cao cấp.

Yếu tố thứ tư, phải có lộ trình mở cửa một cách mạnh dạn, chủ động, an toàn và nhất quán. Qua đó phục hồi các hoạt động dịch vụ, nhất là thị trường trong nước, du lịch,… Hạn chế thấp nhất tình trạng đóng cửa các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân. Thị trường trong nước là yếu tố rất quan trọng để giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Anh Minh