Đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Tính toán sao cho kỹ - Hình 1

Ảnh minh họa

Bỏ trần và áp giá sàn?

Trong dự thảo về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam (CAA) đề xuất tăng mức giá tối đa lên 4.250 đồng/khách/km, đẩy mức giá trần vé máy bay hạng phổ thông thêm 7 - 16%, tùy nhóm đường bay.

Giải thích điều này, CAA cho rằng so với mức giá trần hiện tại, mức kê khai giá tối đa của hãng hàng không hiện chỉ vào khoảng 85 - 98%, tùy theo nhóm đường bay, trong khi giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á đang có chiều hướng tăng trở lại, đạt 66,8 USD/thùng. Ngoài ra, nhiên liệu này còn chịu thuế NK 7% và thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, chưa kể tỷ giá USD/VND đã tăng thêm khoảng 3%.

Ngày 23/3, Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) có văn bản gửi Bộ GTVT góp ý cho Dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa. Tại văn bản, Jetstar không những ủng hộ việc tăng giá trần, mà còn đề nghị áp mức giá sàn vé máy bay để ngăn ngừa việc cạnh tranh bằng giá rẻ. Đồng thời, kiến nghị giá sàn dự kiến cho 5 nhóm đường bay, dao động từ 29 – 34% giá trần.

DN này cho rằng, giá vé vận chuyển hàng không có nhiều mức giá thấp hơn mức giá vé đường sắt, đường bộ và có thể đã tạo ra sự phát triển mất cân đối giữa ngành hàng không và các ngành vận tải đường bộ, đường sắt.

Trong 3 năm (2014 – 2016), mức tải cung ứng trên các đường bay nội địa tăng hơn 30% mỗi năm và các hãng hàng không đã phải liên tục giảm giá vé (có khi bán thấp hơn giá thành) và sẽ tiếp tục giảm để thu hút khách. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng hàng không nói riêng và của ngành hàng không.

Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Hàng không VietJet đề nghị nâng mức giá trần hoặc bỏ quy định giá trần, nhưng kiến nghị không quy định giá sàn, với lý do việc áp giá sàn dù dưới hình thức nào cũng đi ngược quy định của Luật Cạnh tranh năm 2014, không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hãy vì quyền lợi khách hàng

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện ngành hàng không mới áp dụng giá trần để bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Cục cũng đã nhận được ý kiến của các hãng về việc giá trần, giá sàn và sẽ xem xét tính toán, cân nhắc đến hiệu quả của việc áp dụng giá sàn và việc áp dụng giá sàn sẽ ảnh hưởng thế nào đến lợi ích của người dân, DN, Nhà nước trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thị trường hàng không đang có độc quyền nhóm, cạnh tranh rất yếu. Nếu không quy định giá trần, DN chiếm thị phần cao hơn sẽ tăng giá vé, các DN còn lại sẽ tăng theo, gây thiệt hại cho hành khách.

Ông Long cho rằng, việc áp giá sàn làm hạn chế khả năng khuyến khích cạnh tranh, hạn chế khả năng nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm của các DN. Lý lẽ nên quy định giá sàn là không phù hợp với cơ chế thị trường, không đúng với Luật Giá đã được quy định.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc quy định giá sàn vé máy bay là không cần thiết, bởi nó chỉ bảo vệ lợi ích cho các hãng hàng không. Không có giá sàn, các hãng hàng không phải cạnh tranh với nhau để đưa ra mức giá cạnh tranh nhất và điều này có lợi cho hành khách.

Đại diện VietJet cũng cho rằng, việc áp giá sàn sẽ triệt tiêu cơ hội cạnh tranh giảm giá của các hãng hàng không nội địa, làm hạn chế cơ hội đi máy bay của người dân.

“Nếu quy định giá sàn, cần phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các viện nghiên cứu và chuyên gia để đánh giá tác động, đồng thời tổ chức thăm dò ý kiến người dân về việc cần có giá sàn hay không”, DN này kiến nghị.

Phan Chinh - Mai Ngọc