Về điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản, Điều 38 Dự thảo Nghị định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nêu rõ, việc cưỡng chế thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ được áp dụng khi người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có căn cứ xác định bên đó đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế.
Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm xác minh thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế; điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ và chứng minh được hành vi cố tình tẩu tán tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế sau khi vi phạm.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin về tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế và hành vi tẩu tán của đối tượng bị cưỡng chế khi có yêu cầu của cơ quan ra quyết định cưỡng chế.
Cũng theo Dự thảo Nghị định, bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm cung cấp cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thông tin về số tiền, tài sản đang giữ của đối tượng bị cưỡng chế khi có yêu cầu.
Khi nhận được văn bản yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế, không được chuyển trả tiền, tài sản cho đối tượng bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách Nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế để làm thủ tục bán đấu giá.
Trường hợp bên thứ ba không thực hiện được yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế hoặc tẩu tán tiền, tài sản đang giữ của đối tượng bị cưỡng chế thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu bên thứ ba đang giữ tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế tự nguyện thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành.
Khi cưỡng chế để thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do bên thứ ba đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người chứng kiến.
Việc cưỡng chế phải được lập thành biên bản. Trong biên bản ghi rõ: Thời gian, địa điểm tổ chức cưỡng chế; cơ quan chủ trì tiến hành cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; họ tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đang giữ tiền, tài sản; đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành cưỡng chế hoặc người chứng kiến; số tiền, tài sản và tình trạng tài sản bị thu.
Cá nhân hoặc đại diện tổ chức bị cưỡng chế; cá nhân, đại diện tổ chức đang giữ tiền, tài sản; đại diện cơ quan ra quyết định cưỡng chế, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người chứng kiến ký vào biên bản.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, cá nhân, đại diện tổ chức đang giữ tiền, tài sản cố tình vắng mặt thì vẫn tiến hành cưỡng chế nhưng phải có đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người chứng kiến.
Phương Thảo(t/h)