Thông tư 02/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối tháng 04/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và có hiệu lực đến hết ngày 30/06/2024.
Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng là doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, kể từ khi Thông tư 02 được ban hành đã tạo điều cho khách hàng là doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, thu nhập và doanh thu sụt giảm do phát sinh từ thị trường, tiêu thụ sản phẩm và trong hoạt động sản xuất kinh doanh giảm bớt áp lực trả nợ vay... Doanh nghiệp được gia hạn nợ, giãn nợ, mà không bị chuyển nhóm nợ, và vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội MB cho rằng: “Những khách hàng năm 2023 được gia hạn thì năm nay phải tập trung trả nợ, mà số nợ dồn từ năm 2023 sang 2024, 2024 vừa trả nợ từ 2023 chuyển sang lại vừa trả nợ của 2023 thì sẽ khó khăn trong khi nền kinh tế còn đang tương đối khó khăn”.
Những yếu tố tác động khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào tháng 06/2024, có thể kể đến như các khoản nợ tái cơ cấu trước đây sẽ về đúng nhóm phân loại nợ; bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp trong năm 2023 khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.
Như vậy, các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít rủi ro với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng còn lại sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối…
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nợ xấu sẽ vẫn rất áp lực trong năm 2024: “Năm 2023 là một năm hết sức khó khăn, trong đó hệ thống ngân hàng đối diện với những khó khăn này. Hệ thống ngân hàng đã thực hiện khá tốt những quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tạm giãn hoãn, giữ nguyên nhóm nợ… cho doanh nghiệp. Chúng ta thấy nợ xấu đang gia tăng liên tục, tạo tổng thể một khoản nợ xấu khá lớn”.
Trước những khó khăn mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu đến ngày 31/12/2024 thay vì ngày 30/06/2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, đề nghị phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 03 năm, tối đa đến ngày 31/12/2025 trích đủ 100%.
Các chuyên gia về tài chính ngân hàng phân tích: Thông tư 02 cũng nên sửa đổi theo hướng có một chính sách chung cho tất cả các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ.
Vấn đề là nếu một ngân hàng cơ cấu khoản nợ cho khách hàng nhưng ngân hàng khác không cơ cấu thì ở ngân hàng đó, khách hàng bị cơ cấu nên nhóm nợ xấu, như vậy các ngân hàng khác không cho vay, cơ cấu nợ được cho khách hàng đó, vậy cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách chung, hoặc sửa đổi Thông tư 02 theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh nới thời hạn, các ngân hàng cũng đề xuất mở rộng thời gian tính khoản vay được gia hạn. Bởi theo quy định, chỉ những khoản vay phát sinh trước thời điểm 24/04/2023 mới được cơ cấu nợ. Ngoài ra, cần có thêm hướng dẫn về cơ cấu nợ cho khách hàng phát sinh khoản vay tại nhiều ngân hàng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang xem xét gia hạn Thông tư 02: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu kéo dài Thông tư 02 đến một thời điểm phù hợp, trong quá trình kéo dài chính sách này cũng phải được giám sát, đảm bảo chính sách được đến đúng đối tượng, đảm bảo hài hoà hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đảm bảo cho doanh nghiệp, chất lượng tín dụng, an toàn cho các ngân hàng thương mại”.
Đề xuất gia hạn Thông tư 02 đang được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc. Tuy nhiên, quy định về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã được ban hành từ năm 2020 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh và được gia hạn liên tiếp tới nay. Vì thế, các chuyên gia khuyến nghị cũng cần cân nhắc tới khả năng trả nợ, và tính an toàn của hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro nợ xấu tiềm ẩn.
Hiện đã có gần 188.000 lượt khách hàng được hưởng lợi từ Thông tư 02, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế đến cuối năm 2023, với tổng số nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng. Các ngân hàng cho rằng, nếu không tiếp tục gia hạn sẽ khiến người vay gặp áp lực khi phải trả cùng lúc cả nợ cũ và nợ mới.
X.Hải (t/h)