Năm 2020, diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 đã đang và sẽ là thách thức lớn với triển vọng phục hồi kinh tế năm 2020-2021, nhiều quốc gia và khu vực đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế. Theo dự báo tháng 10 và 12/2020 của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm (-4 đến -4,4%), tuy mức giảm ít hơn dự báo tháng 6/2020 (-5,2%), song vẫn là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1930. Bên cạnh những khó khăn do suy thoái kinh tế, rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh nợ công và nợ tư tăng nhanh, nợ xấu tăng, nguy cơ đảo chiều hay giảm sút dòng vốn ngoại…
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, với quy mô thị trường tài chính Việt Nam gồm cả 3 khu vực: Ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm tương đương 366 % GDP (tính đến 30/11/2020 trên nền GDP 9 tháng/2020), tác động của các nguy cơ, rủi ro tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không nhỏ, trong khi các rủi ro có thể cùng tác động vào nhiều lĩnh vực và có tính lan truyền. Tuy nhiên, khả năng ứng phó và giảm tác động tiêu cực từ nguy cơ bất ổn tài chính được khẳng định bởi nền tảng kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính khá vững chắc và ổn định trong 5 năm qua.
Cùng với đó, Việt Nam có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế với khả năng kiểm soát tốt dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế dương và ở mức cao nhất thế giới và khu vực năm 2020, sức mạnh tài chính khá tốt và vị thế quốc tế không ngừng được tăng lên; là một trong số ít quốc gia giữ vững xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, nước ta sẽ có rủi ro nợ công và thâm hụt ngân sách tăng nhanh; xu hướng giảm sút dòng vốn ngoại có thể còn tiếp diễn, thị trường chứng khoán phục hồi và chu kỳ điều chỉnh của thị trường bất động sản có thể kéo dài hơn dự kiến, áp lực nợ xấu và giảm lợi nhuận là những thách thức khá lớn.
“Chúng ta cần phải đảm bảo gói hỗ trợ được thực hiện nhanh hơn để giúp cho doanh nghiệp mà còn giúp cho hệ thống tài chính ngân hàng sớm ổn định, hơn cũng là tiền đề để đảm bảo tài khóa và tiền tệ lành mạnh hơn trong thời gian tới. Vấn đề và hoàn thiện thể chế vô cùng quan trọng, đồng thời phải hết sức chú trọng chuyện tăng sức đề kháng của nền kinh tế, cũng như khối tài chính ngân hàng tiếp tục liên quan đến an toàn vốn, lý nợ xấu, xử lý các định chế tài chính yếu kém, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai, nguy cơ khủng hoảng tài chính không loại trừ bất cứ quốc gia, tổ chức nào. Rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liên quan trực tiếp đến rủi ro tín dụng, đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng bất động sản và chứng khoán hóa tài sản có của các Ngân hàng thương mại. Vì vậy, các Ngân hàng thương mại Việt Nam cần tuân thủ đúng và đầy đủ các bước trong quy trình cho vay, không ngừng đào tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cũng như khả năng thẩm định, đánh giá của các nhân viên tín dụng. Bảo đảm sự chặt chẽ và chính xác ngay từ khâu đầu tiên của quá trình cho vay và suốt quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng là phương pháp phòng chống rủi ro hiệu quả nhất.
“Các ngân hàng thương mại cần phải luôn nâng cao công tác giám sát, quản trị dự báo dự phòng rủi ro để tạo sự ổn định cho phát triển an toàn định của Ngân hàng nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Chúng ta rất cần lập sàn mua bán nợ xấu, Nhà nước cần tạo đầu mối để quản lý và khuyến khích mở các chế độ kết nối thông tin giữa các đơn vị vay - giữa các vị khách hàng vay với ngân hàng”, ông Nguyễn Đại Lai khuyến nghị.
Trúc Mai