Ảnh minh họa
Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít; cùng với đó, thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng giảm tương ứng 10% mức giảm thuế bảo vệ môi trường là 90 đồng/lít.
Mức thuế này được đề xuất áp dụng đến hết 31/12/2020. Từ ngày 1/1/2021 trở đi, mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579.
Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Với việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay. Đây là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để vận hành các chuyến bay. Từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch Covid-19 cho ngành hàng không.
Đối với ngân sách nhà nước, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đồng nghĩa mức thu thuế giá trị gia tăng đối với nhiên liệu bay cũng giảm tương ứng 10% so với mức giảm thuế bảo vệ môi trường (90 đồng/lít), khiến số thu thuế bảo vệ môi trường giảm khoảng 72 - 80 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện.
Đối với xã hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp, góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động.
PV