Đây là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” diễn ra ngày 17/03 tại Hà Nội.
Phát biểu tại toạ đàm, Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng đầu tư trung và dài hạn. Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp hầu như đang bị “tắc”, từ trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu cho đến tín dụng ngân hàng. Đầu tư công được xem là cứu cánh của nền kinh tế - là vốn mồi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhưng tiến độ giải ngân chậm.
Trong các nút thắt nói trên, trái phiếu doanh nghiệp là vấn đề nan giải nhất, và là một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn tới sự căng thẳng liên thông trên thị trường cổ phiếu lẫn tín dụng ngân hàng.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng với trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý 02 vấn đề quan trọng là tài sản đảm bảo và xếp hạng tín nhiệm để thị trường vốn phát triển.
Tổng quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 chỉ đạt khoảng 338 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 47% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó phát hành ra công chúng giảm 67%, phát hành riêng lẻ giảm 65%). Bước sang năm 2023, thị trường vẫn khá trầm lắng khi trong 02 tháng đầu năm, mới có 2.600 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp mới được phát hành, chỉ bằng 9,3% cùng kỳ năm 2022.
Theo Tiến sỹ Lực, điều này cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định trở lại sau các sai phạm, doanh nghiệp và nhà đầu tư chưa kịp thích ứng với các quy định pháp lý mới….
Để giải quyết bài toán trái phiếu doanh nghiệp, ông Lực đề xuất hàng loạt giải pháp như quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
Nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp (đặc biệt là cho những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ) khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp vừa tăng tính thanh khoản, vừa tăng khả năng kiểm soát; chuẩn hóa quy định về hồ sơ phát hành, báo cáo tài chính, bản cáo bạch...;
Cũng theo ông Lực, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành trái phiếu doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, hoàn thiện hạ tầng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo…. Việc xây dựng và phát triển các thị trường thứ cấp an toàn là nội dung cần sớm triển khai để tăng thanh khoản, thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước.
Đối với thị trường thứ cấp trái phiếu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn vốn Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương cho rằng, cần quy định rõ tổ chức tài chính, cá nhân đủ điều kiện, có giấy phép hành nghề mới được thực hiện nghiệp vụ phân phối (trái phiếu phát hành riêng lẻ).
Cùng với đó, tăng cường khuyến khích và định hướng dòng tiền của những nhà đầu tư tới việc mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng để giảm thiểu rủi ro, trong khi trái phiếu riêng lẻ chỉ được phép cung cấp hoặc phân phối lại cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thành lập mới hoặc giao cho một cơ quan chuyên môn đủ quy mô và thẩm quyền giám sát các doanh nghiệp phát hành cũng như việc thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành để kịp thời đưa ra cảnh báo, chấn chỉnh các hành vi sai phạm nếu có.
Ngoài ra, ông Tuấn Anh cũng đề nghị giảm thiểu hình thức lừa đảo và vi phạm pháp luật. Tăng cường giám sát và kiểm soát việc phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng tài sản kém chất lượng. Những doanh nghiệp này cần công bố thông tin minh bạch về tình hình tài chính, kế hoạch sử dụng vốn và rủi ro liên quan, qua đó làm giảm áp lực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Phương Thảo (t/h)