Trước thực tế trên, các chuyên gia nhấn mạnh, cần thiết và cấp bách phải có các cơ chế tài chính đổi mới và hợp tác công - tư để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và Việt Nam tiếp tục đặt ưu tiên cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Trong đó, hai cơ chế có thể áp dụng ở Việt Nam để tăng cường nguồn vốn cho đầu tư xanh là tín dụng và thị trường vốn.
Ông Mohammad Mudasser, Giám đốc Quản lý vốn lưu động của PwC Vietnam chia sẻ, nếu nhìn vào thực tế hiện nay ước tính chỉ có 4-5% tín dụng thương mại được coi là tài chính xanh tại Việt Nam thì một trong những thách thức là sự thiếu rõ ràng trong việc xác định danh mục và tiêu chí của “kinh tế xanh”, cũng như khó khăn trong việc chứng nhận nguồn năng lượng hoàn toàn xanh.
“Hiện tại, hơn 80% tài chính xanh tập trung vào các lĩnh vực như điện, tiện ích, nông nghiệp và các tòa nhà xanh. Tuy vậy, Việt Nam cũng có nhiều triển vọng phát triển, dự báo, tỷ lệ tài chính xanh có thể tăng từ 5% lên 10%-15% vào năm 2030, nhờ sự xuất hiện của các ngành mới như ô tô và cơ sở hạ tầng công cộng, cũng như sự hỗ trợ tốt hơn từ các quy định pháp lý”, ông Mohammad Mudasser nói.
Ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Tổng Giám đốc của Bangkok Bank Vietnam nhận định, mặc dù Việt Nam có những cơ hội rất lớn về tài chính xanh, với tham vọng của chính phủ về mục tiêu Net Zero vào 2050 và một số tiềm năng về cơ chế phát triển. Tuy vậy, việc thiếu rõ ràng về quy định, thiếu tính phối hợp và thiếu ưu đãi tài chính có thể sẽ là những thách thức trong quá trình phát triển tài chính xanh tại Việt Nam.
“Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để đầu tư vào năng lượng tái tạo và điều này cần rất nhiều vốn. Chúng tôi cũng hy vọng các chính sách của Chính phủ với những hướng dẫn rõ ràng cho tất cả các tỉnh/thành. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ biết phải làm gì và biết cách hành động. Các nhà đầu tư Thái Lan thực sự quan tâm đến Việt Nam, nếu chính sách được ban hành với hướng dẫn rõ ràng, sẽ có rất nhiều nhà đầu tư Thái Lan đầu tư ngày càng nhiều vào năng lượng tái tạo của Việt Nam”, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit cho biết.
Chuyên gia Kinh tế trưởng Nguyễn Bá Hùng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nêu quan điểm: Các ngân hàng và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, không chỉ tập trung vào lợi nhuận tài chính mà còn phải xem xét tác động môi trường.
“Ở những nơi như Việt Nam tài chính xanh còn ở giai đoạn sơ khai, có thể mỗi người hiểu về tài chính xanh theo cách khác nhau. Các tổ chức tín dụng có thể tham khảo các chuẩn mực ASEAN đưa ra, từ đó xây dựng hệ thống dễ thực hiện với chi phí thấp để có thể thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển đổi xanh hiệu quả hơn.
Việc lượng hoá các tác động sẽ giúp việc đánh giá hiệu quả của công tác tài chính xanh tốt hơn, góp phần nâng cao khả năng đóng góp vào những nỗ lực chung về phát triển xanh, như phát thải ròng bằng 0”, ông Hùng lưu ý.
PV (t/h)