Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu vừa ký công văn gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị cho phép tỉnh này được bắn pháo hoa nổ tầm cao tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), chào đón năm mới 2025, vào đêm 27/12/2024.
Nếu được chấp thuận, địa điểm bắn pháo hoa sẽ được tổ chức tại Quảng trường Thành Sen, thành phố Hà Tĩnh; nguồn kinh phí huy động xã hội hóa; thời gian bắn 15 phút, bắt đầu lúc 21h45 ngày 27/12 với số lượng 500 quả pháo hoa tầm cao và 90 giàn pháo hoa tầm thấp.
Di tích Mộ và Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở huyện Hương Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1990.
Trong năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở VH-TT&DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND huyện Hương Sơn lập hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, một trong những Đại danh y nổi tiếng nhất trong lịch sử y học Việt Nam, được biết đến không chỉ với vai trò là một thầy thuốc tài ba mà còn là một nhà tư tưởng lớn và một danh nhân văn hóa thế giới.
Lê Hữu Trác tên thật Lê Hữu Huân, sinh ngày 12/11/1724, là con thứ bảy trong một gia đình đại trí thức ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Lê Hữu Trác xuất thân từ một gia đình truyền thống khoa bảng, nhiều người học giỏi, đỗ cao, làm quan to dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Cha của ông là Lê Hữu Mưu, đỗ đệ tam giáp tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Dụ Tôn tới bậc thượng thư. Mẹ ông là Bùi Thị Thường, ở xứ Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, tổng Hữu Bằng (nay xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Thuở nhỏ, Lê Hữu Trác theo cha ăn học ở Kinh thành Thăng Long, sớm nổi tiếng với tư chất thông minh, am tường cả nho, y, lý, số,… Sống giữa thời buổi loạn lạc, năm 26 tuổi, ông quyết định từ bỏ chốn quan trường về quê mẹ sống.
Ông lấy hiệu Hải Thượng Lãn Ông. Hải Thượng là hai chữ đầu của tỉnh Hải Dương và phủ Thượng Hồng quê cha, cũng là xứ Bàu Thượng quê mẹ. Lãn Ông nghĩa là "ông lười", ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi, quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng mà mình yêu thích.
Hơn 40 năm náu thân ở chốn thâm sơn cùng cốc, "Ông già lười" vẫn miệt mài tìm kiếm, khảo cứu, ươm trồng các loại cây thuốc bản địa, làm thơ, dạy học, viết sách, chữa bệnh cứu người,…
Lê Hữu Trác nhiều lần được triều đình mời về Kinh. Song mỗi lần như thế, ông đều gắng xong bổn phận rồi lại trở về quê ngoại Hương Sơn - nơi ông không màng đến công danh phú quý. Thiên nhiên, con người, trí tuệ và đức cần cù, dân dã… hun đúc ông trở thành một Đại danh y, danh nhân văn hóa của đất nước.
Lê Hữu Trác để lại cho đời một tấm gương sáng về y đức, y lý, y thuật. Ông có đóng góp lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, trong đó có thuốc Nam khi kế thừa xuất sắc sự nghiệp "Nam dược trị Nam nhân" của Tuệ Tĩnh thiền sư.
Tác phẩm "Hải Thượng y tông tâm lĩnh" (28 tập, 66 quyển) của ông được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời Trung đại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cuốn như "Lĩnh Nam bản thảo", "Thượng kinh ký sự" của ông không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Cuối tháng 11/2023, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 42, Hội đồng UNESCO chính thức thông qua nghị quyết vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới.
Khánh Trình