Đẩy mạnh tài chính xanh là xu thế chung của toàn cầu
Đẩy mạnh tài chính xanh là xu thế chung của toàn cầu.

Đẩy mạnh tài chính xanh là xu thế chung các tổ chức và nhiều đối tác quốc tế khẳng định, tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững.

Các dự án có thể huy động hỗ trợ từ chính sách tài chính xanh, tập trung vào những lĩnh vực như năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý ô nhiễm, bảo đảm đa dạng sinh học, phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên đất. Vấn đề hiện nay là cần đề ra các cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Trinh- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để Việt Nam có thể tiếp cận các nguồn tài chính xanh, cần thúc đẩy hợp tác “ngân hàng xanh” với các định chế tài chính lớn và các ngân hàng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, cần “mềm hóa” quy trình thủ tục để hai bên gặp được nhau giữa cung và cầu trong lĩnh vực này. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính xanh để các đối tượng yếu thế có thể tiếp cận được, chứ không phải chỉ là các dự án tỷ đô.

Chính phủ đang quyết liệt và đẩy nhanh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chương trình không chỉ bao gồm những giải pháp khôi phục kinh tế ngắn hạn mà tập trung vào nhiều giải pháp dài hạn nhằm tạo lập các động lực tăng trưởng bền vững, nhất là tăng trưởng xanh.

Theo đó, Việt Nam tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới như xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế-xã hội; xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, điển hình là Chiến lược tăng trưởng xanh 2021-2030, nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, trong đó có những định hướng lớn về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 vừa qua.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các đối tác cho các biện pháp phục hồi kinh tế-xã hội, thúc đẩy động lực tăng trưởng xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam.

Theo các chuyên gia, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để tiếp cận nguồn tài chính xanh. Nhiều đối tác và các doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh trong thời gian tới.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết: “Kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và chúng ta đang sống chung với dịch Covid-19. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Hà Trần