Bộ Tài chính đang đề xuất thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng (Ảnh minh họa)
Theo đó, trước khi đấu giá, thuốc lá ngoại nhập lậu phải được lấy mẫu gửi đến cơ quan, tổ chức có chức năng phân tích, kiểm nghiệm được cơ quan có thẩm quyền chỉ định để phân tích mẫu theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc các quy định an toàn thực phẩm theo quy định để đánh giá chất lượng làm cơ sở áp dụng biện pháp tiêu hủy hay cho phép bán đấu giá tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu.
Việc đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng phải thực hiện tại trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập. Thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng phải hoàn thành các thủ tục để chuyển tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu trong vòng 90 ngày và không quá 120 ngày đối với trường hợp được gia hạn, kể từ ngày trúng đấu giá. UBND tỉnh, thành phố - nơi tổ chức đấu giá xem xét việc gia hạn đối với trường hợp này.
Dự thảo nêu rõ yêu cầu đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu trước khi chuyển tiêu thụ nội địa như sau:
1- Phải được dán tem ký hiệu đấu giá trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường theo quy định của Bộ Tài chính.
2- Phải ghi nhãn hàng hóa, ghi nhãn sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam và in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của Bộ Y tế.
3- Phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn và hàm lượng chất độc hại trong thuốc lá như đối với sản phẩm thuốc lá điếu được sản xuất trong nước.
Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ thủ tục xuất khẩu thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng sau khi trúng đấu giá thực hiện theo quy định về pháp luật hải quan. Việc xuất khẩu chỉ cho phép thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế (bao gồm cửa khẩu đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không) và cửa khẩu chính; không cho phép xuất khẩu bằng đường bộ và đến các nước có chung đường biên giới đất liền.
Giá bán thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu ra thị trường phải được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để phục phục vụ công tác giám sát, quản lý, chống buôn lậu thuốc lá thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với doanh nghiệp tham gia đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu phải có một trong các loại Giấy phép: Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép phân phối sản phẩm thuốc lá hoặc Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá theo quy định. Đồng thời phải là doanh nghiệp đã tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc lá.
Doanh nghiệp tham gia đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu phải đáp ứng các điều kiện về người tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Trước đó, tình hình buôn lậu thuốc lá luôn ở mức báo động. Theo số liệu thống kê, lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong 3 năm (2012, 2013 và 2014) lần lượt là 20,1 tỷ điếu, 21,3 tỷ điếu và 19,8 tỷ điếu (tương đương với khoảng 1.055 triệu bao, 1.065 triệu bao và 990 triệu bao), chiếm tỷ lệ xấp xỉ 20% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam.
Lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam trong năm 2015 ước tính chỉ vào khoảng 14 tỷ điếu (tương đương khoảng 700 triệu bao). Việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu đã phát huy tác dụng, khiến lượng thuốc lá nhập lậu giảm khoảng 30% so với năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước phục hồi sản xuất, nộp ngân sách nhà nước tăng hơn 1.000 tỷ đồng (6,2%).
Phan Chinh