Gần 10 năm dự án chỉ tồn tại trên giấy do vấp phải sự phản đối của các hộ dân

Khu tập thể 33 Nguyễn Du và 34 - 36 Chu Mạnh Trinh (P.Bến Nghé, quận 1, TP. HCM) tiền thân là khu nhà ở của cán bộ - công nhân viên Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). Sau đó, được phê duyệt chủ trương giải toả để làm Dự án khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê.

Vinafood 2 và Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập liên doanh Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xây dựng Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án từ năm 2009 (trong đó, Vinafood 2 góp 20% vốn bằng một phần quyền sử dụng đất, còn Công ty Việt Hân góp 80% vốn bằng tiền mặt).

Đền bù GPMB tại KTT 33 Nguyễn Du (TPHCM): Nhà nước đứng trước nguy cơ bị thất thoát hơn 54 tỷ đồng? - Hình 1

Khu tập thể 33 Nguyễn Du và 34 - 36 Chu Mạnh Trinh (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM) là khu đất "vàng" giữa trung tâm thành phố

Tuy nhiên, gần 10 năm qua, dự án này chỉ tồn tại trên giấy, do vấp phải sự phản đối từ phía các hộ dân. Theo chia sẻ của người dân nơi đây, mức giá đền bù được chủ đầu tư đưa ra thương lượng là 105 triệu đồng/m2 đất, mức giá này chưa bằng một nửa giá thị trường.

Đến giữa năm 2018, các vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bắt đầu tái khởi động nhưng lại tiếp tục không nhận được sự đồng thuận của người dân do giá đền bù vẫn không thay đổi nhiều.

Chủ đầu tư Việt Hân Sài Gòn đưa ra mức 175 triệu/ m2, trong khi giá thị trường tai khu vực này hiện nay đã rơi vào khoảng 350 triệu/ m2. Người dân cho biết, họ đồng ý bán nhà, chuyển nhượng đất nhưng phải đúng luật đền bù và giá cả hiện nay. Tuy nhiên, với việc không đền bù đúng luật, đúng giá, người dân sẽ kiên trì “bám nhà, bám đất”.

“Cách làm của chủ đầu tư là không sòng phẳng. Họ phải thỏa thuận bồi thường cho cư dân theo luật định chứ không phải mặc cả kiểu xin cho. Chúng tôi chờ đợi gần 10 năm để chờ một sự công bằng chứ không phải để họ 'nhích' tiền bồi thường lên một chút như vậy”, một cư dân bức xúc.

Vấp phải sự “kháng cự” mạnh mẽ từ phía các hộ dân, ngày 13/11, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã ngang nhiên cho người xông vào khu nhà dân, rào chắn, giăng kẽm gai một số khu vực, làm náo loạn cuộc sống của các hộ dân ở đây. Sự việc này lại một nữa khơi dậy “làn sóng” uất ức vốn đang âm ĩ trong lòng của hàng chục hộ dân đang đối diện với nguy cơ bị “lùa” khỏi “mái ấm có chủ quyền” mà họ vẫn lưu trú bình ổn từ nhiều năm trước.

Được biết, người dân khu tập thể đã có đơn kêu cứu gửi đến Thủ tướng Chính phủ để khẩn cầu xem xét, hỗ trợ kịp thời ngăn chặn hành vi chèn ép, bất chấp của doanh nghiệp, trả lại sự công bằng cho người dân.

Hàng loạt sai phạm được chỉ ra

Theo Kết luận thanh tra số 5278 về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giao tại Tổng công ty thì đơn vị bị thanh tra đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm khi triển khai dự án Khách sạn cao cấp, Cao ốc văn phòng và Trung tâm thương mại cho thuê tại 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 đường Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).

Đền bù GPMB tại KTT 33 Nguyễn Du (TPHCM): Nhà nước đứng trước nguy cơ bị thất thoát hơn 54 tỷ đồng? - Hình 2

Kết luận thanh tra số 5278 về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ giao tại Tổng công ty.

Trong đó, việc Tổng giám đốc Tổng công ty thỏa thuận, thống nhất với Công ty Việt Hân về việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân ở khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 5/2/2015 của Hội đồng thành viên Tổng công ty, trái với thỏa thuận giữa Công ty Việt Hân với Tổng công ty tại văn bản số 14 ngày 4/2/215 của Công ty Việt Hân. Không chỉ vậy, việc làm nói trên cũng sai với nội dung Văn bản số 2022 ngày 23/6/2015 của Tổng công ty, Văn bản số 5598 ngày 14/7/2015 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) trình Thủ tướng Chính phủ.

Đáng nói nhất, việc “bắt tay” giữa Tổng giám đốc Tổng công ty và Công ty Việt Hân liên quan tới đền bù giải phóng mặt bằng cho 34 hộ dân còn trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ tại Công văn số 1647 ngày 15/9/2015 “Về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du, 34,36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM”. Chưa dừng lại ở đó, việc Hội đồng thành viên Tổng công ty ban hành Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV có nội dung về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là trái với chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại văn bản số 5598 ngày 14/7/2015, văn bản số 7887 ngày 25/9/2015 và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1647 ngày 15/9/2015.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn cho thấy, Ngân sách Nhà nước cũng đang đứng trước nguy cơ bị thất thoát hơn 54 tỷ đồng do việc chi tiền cho đền bù, giải phóng mặt bằng.

“Nghị quyết số 05/NQ-HĐTV ngày 22/10/2015 đã chuyển trách nhiệm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân từ Công ty TNHH Hai thành viên Thương mại – Dịch vụ - Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (trong đó Công ty Việt Hân chịu 80% trên tỷ lệ vốn góp và Tổng công ty chịu 20% trên tỷ lệ vốn góp) sang Tổng công ty chịu trách nhiệm 100%. Theo thỏa thuận giữa Tổng công ty và Công ty Việt Hân, số tiền chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng (dự kiến của hai bên) là 68 tỷ đồng, lấy từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Như vậy, nếu thực hiện đúng thỏa thuận trên thì Ngân sách Nhà nước bị thất thoát (80%) tương đương với trên 54 tỷ đồng”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Hải Đăng