Theo dữ liệu từ KPMG Việt Nam, từ tháng 01 - 11/2023), thị trường mua bán và sát nhập (M&A) Việt Nam có 265 giao dịch, đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, trung bình các thương vụ đạt giá trị 54,5 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, thị trường M&A giảm 23%. 

10 thương vụ M&A lớn nhất trong 15 năm qua. Ảnh Hải Yên.
10 thương vụ M&A lớn nhất trong 15 năm qua. Ảnh Hải Yên.

Các chuyên gia nhận định, giá trị các thương vụ của thị trường M&A tại Việt Nam giảm do hưởng thị trường M&A trên toàn cầu. Nguyên nhân chính do tình hình nền kinh tế toàn cầu khó khăn, nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài cũng bị suy yếu. Riêng thị trường huy động vốn thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á cũng cho thấy, mặc dù có sự ổn định nhưng tổng số vốn IPO huy động chạm mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Số liệu từ Deloitte thể hiện, tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, các công ty ở Đông Nam Á đã huy động được khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các thương vụ IPO, giảm so với mức 7,6 tỷ USD huy động được từ 163 thương vụ IPO trong cả năm 2022. Trong đó, Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO huy động được khoảng 7 triệu USD.

Số lượng IPO thấp chủ yếu là do quy trình phê duyệt IPO và niêm yết được thắt chặt, đồng thời lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cao hơn do các yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường trong năm 2023. 

Khi thị trường khó khăn, sẽ có nhiều doanh nghiệp phải tiến hành hoạt động M&A, cũng có thể một số doanh nghiệp sẽ có những động thái tích cực, phá băng và sớm đưa thị trường trở lại trạng thái sôi động. Hơn nữa, thời điểm này được cho là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiền thực hiện mua các dự án hấp dẫn, với định giá tài sản hợp lý hơn.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia đánh giá, M&A trong lĩnh vực công nghệ với làn sóng chuyển đổi số, bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn sôi động; trong khi lĩnh vực bất động sản, năng lượng xanh, tiện ích sẽ sớm sôi động trở lại với sự tham gia ngày càng đông đảo của các doanh nghiệp Việt Nam ở vai trò bên mua.

Ảnh internet.
Đến tháng 11, thị trường M&A Việt Nam đạt giá trị hơn 4,4 tỷ USD, so với cùng kỳ, giảm 23%. Ảnh internet.

Theo ông Warrick Cleine, động lực tăng trưởng M&A năm 2024 bao gồm dòng vốn FDI mạnh mẽ nhờ chính trị ổn định và các thỏa thuận thương mại, lạm phát được kiểm soát và nợ công vẫn dưới trần pháp lý. Đó là những nền tảng cho thấy một năm thuận lợi cho các nhà đầu tư nhắm đến những cơ hội chiến lược tại thị trường Việt Nam năng động.

“Những dấu hiệu trên cho thấy, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính”, ông Warrick Cleine nhận định.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững từ nay đến năm 2024 và những năm tiếp theo, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư - kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A. 

“Việc thực thi quyết liệt và hiệu quả các giải pháp này sẽ góp phần quan trọng đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo. Khi nền kinh tế phục hồi, niềm tin tiêu dùng được cải thiện nhiều, bức tranh tăng trưởng của doanh nghiệp trở nên rõ ràng hơn và đầu tư nước ngoài tăng tốc, hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ nhộn nhịp trở lại”, Thứ trưởng Trần Duy Đông chia sẻ.

Hải Dương (t/h)