THCL Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về các giải pháp chống hàng giả, kém chất lượng đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thuốc y, thức ăn chăn nuôi và các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp, chiều ngày 2/12.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Hành vi vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết tình hình vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các chất độc hại dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp... vẫn diễn biến phức tạp.
Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn là không thực hiện công bố hợp quy, hợp chuẩn trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hợp thức hóa hàng lậu bằng tờ khai, chứng từ nhập khẩu và bao bì của doanh nghiệp sản xuất trong nước để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không có trong danh mục được phép sử dụng hoặc bị cấm sử dụng, không rõ nguồn gốc vẫn tiếp diễn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân.
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết từ đầu năm đến nay, thanh tra ngành NN&PTNT đã thực hiện kiểm tra 3.103 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thủy sản, trong đó, có 2.080 cơ sở kinh doanh. Qua đó, đã phát hiện 1.107 cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hơn 5 tỉ đồng...
Trong lĩnh vực phân bón, số vụ bắt giữ vi phạm kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng mỗi năm một cao nhưng khởi tố hình sự quá thấp (chỉ 0,3%) nên không đủ sức răn đe.
Việc sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi diễn biến phức tạp, thực sự đã trở thành vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Đồng Đại Lộc cho rằng phân bón giả, kém chất lượng đang gây thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên việc xử lý còn lúng túng do chưa có quy định cụ thể hoặc phải cần thời gian để giám định nên không “xử nóng” ngay được các hành vi vi phạm...
Cơ quan chức năng kiến nghị
Ông Lộc kiến nghị khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp luật trong việc xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, chất cấm trong chăn nuôi với việc tăng nặng xử lý các hành vi này như tước vĩnh viễn giấy phép, xử lý hình sự.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Văn Cẩn đề nghị xây dựng kế hoạch cao điểm để kiểm tra trên tất cả các tuyến biên giới, các địa phương với việc phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành trong việc để lọt hàng giả, hàng kém chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi, phân bón hiện nay.
Thành lập tổ liên ngành gồm ngành nông nghiệp, y tế, hải quan tại một số cảng để tiến hành kiểm nghiệm ngay tại chỗ chất lượng các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi.
Theo Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh, cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất phân bón nhưng chỉ có khoảng 90 cơ sở có giấy phép.
Trước thông tin này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ không hài lòng về công tác quản lý nhà nước của Cục Hóa chất, đồng thời yêu cầu Cục Hóa chất xuống tận địa phương để kiểm tra, có lộ trình để “đóng cửa” các cơ sở này.
Phải nêu cao tinh thần trách nhiệm
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình đối với vấn nạn phân bón giả và kém chất lượng, thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi hiện nay. Đây là mệnh lệnh của nhân dân.
Theo Phó Thủ tướng, tình hình phân bón giả và kém chất lượng... diễn biến phức tạp có nguyên nhân do một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, chưa dựa vào dân để phát hiện, lên án các hành vi vi phạm...
Thậm chí vì lợi ích cục bộ, đã có một vài cá nhân, tổ chức lại bảo kê, tiếp tay, bao che cho các đối tượng vi phạm pháp luật. Vì vậy cần xử lý những người này để răn đe, giáo dục. Còn một số văn bản pháp luật còn sơ hở, công tác phối hợp của các lực lượng chức năng còn chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa tạo ra luồng dư luận mạnh mẽ để cả xã hội lên án hành động phi nhân tính này. Công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, còn để lọt tội phạm...
Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội để phát hiện lên án, tẩy chay, các mặt hàng này. Ngăn chặn và kiểm soát cho được tình hình này hiệu quả, kịp thời từ nay đến Tết Nguyên đán; xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu vi phạm nghiêm trọng.
Tất cả các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác này. Tiến hành rà soát lại công tác quản lý nhà nước của các lực lượng chuyên trách, bổ sung công cụ và phương tiện để hoàn thành công việc được giao. Tăng cường công tác tuyên truyền mạnh mẽ trong nhân dân; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, địa phương để xảy ra tình trạng này.
Tổ chức các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra, biện pháp nghiệp vụ để đánh trúng, đánh mạnh vào các đối tượng sản xuất, buôn bán mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng, chất cấm trong thực ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
Đối với các vụ việc nổi cộm, các cơ quan chức năng cần xử lý ngay, xử lý nghiêm, tuyên truyền công khai để ngăn chặn các đối tượng vi phạm pháp luật chạy tội.
Các bộ, ngành tiến hành xem xét, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đủ sức răn đe, từng bước hạn chế vấn nạn này.
Theo Chinhphu.vn