Tại hội thảo "Hàng không - du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững" chiều 12/6, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho hay: Các cảng hàng không đang thu 5 loại giá, phí gồm: Giá dịch vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh hàng không, giá dịch vụ hạ, cất cánh, dịch vụ cảng và phục vụ mặt đất.
Tổng chi phí tính trên mỗi hành khách cao nhất là 184.000 đồng và trung bình là 168.000 đồng.
Tiêu biểu, chặng Hà Nội - Đà Nẵng có mức giá trung bình 0,12 cent/km và giá cao nhất là 0,16 cent/km. Trong khi đó, mức giá tại Pháp tương ứng là 0,35 cent và 0,93 cent, còn Thái Lan là 0,10 cent và 0,29 cent.
"Giá vé cao chủ yếu do các hãng từng vì cạnh tranh mà tạo thói quen cho người dân ở các mức khuyến mại. Mức giá tưởng cao nhưng thực tế các dải giá vẫn không thay đổi. Tỷ trọng cho từng dải giá vẫn vậy", ông Thanh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways thông tin, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác khoảng 160 chiếc, trong khi trước đây có hơn 200 tàu bay.
"Giá vé máy bay chỉ giảm khi số lượng tàu bay tăng lên", ông Nam thẳng thắn.
Theo khảo sát, một số chặng như Hà Nội - TP.HCM và ngược lại, Hà Nội đi Đà Nẵng/ Phú Quốc, từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,... ghi nhận giá vé đã giảm sâu, đặc biệt vào khung giờ tối, đêm muộn và sáng sớm.
Trong đó, ghi nhận mức giảm mạnh là chặng từ Hà Nội và TP.HCM đến Đà Nẵng khi giá vé máy bay hạ chỉ còn một nửa.
Cụ thể, từ Hà Nội đi Đà Nẵng, nếu chọn bay tháng 6, cả trong và cuối tuần, giá vé khứ hồi chỉ từ 2 triệu đồng (Vietjet Air), 2,7 triệu đồng (Vietnam Airlines) nếu chấp nhận bay vào sáng sớm hoặc tối, về muộn; còn bay giờ đẹp giá nhỉnh hơn, dao động từ 2,9-3,7 triệu đồng.
Từ TP.HCM đến Đà Nẵng, giá vé máy bay cũng chỉ từ 2,4-3 triệu đồng/vé vào giữa tháng 6, tháng 7 (kể cả cuối tuần) nếu đi muộn, về muộn.
Như vậy, so với cao điểm kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, giá vé máy bay từ đầu Hà Nội và TP.HCM đến "thành phố đáng sống" đã giảm tới một nửa với giờ bay xấu, giảm khoảng 30% với giờ bay đẹp. Thời điểm đó, giá vé tại hai trung tâm này đến Đà Nẵng lên tới 4-4,5 triệu đồng/vé.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay trên các chặng bay nội địa hạng phổ thông (chưa gồm thuế, phí) đang được các hãng mở bán thấp hơn đáng kể so với mức giá trần theo quy định.
Chẳng hạn, với chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé tối đa theo quy định là 2,89 triệu đồng thì giá vé của Vietnam Airlines chỉ từ 700.000-1,8 triệu đồng (tương đương 25-62% giá tối đa); Vietjet Air giá dao động từ 400.000-1,7 triệu đồng (bằng 13,5-57,1% giá tối đa).
Hay chặng Hà Nội - Phú Quốc từng ghi nhận mức giá cao chót vót lên tới 8 triệu đồng, thì tại Vietnam Airlines nay giảm sâu chỉ còn 2,3 triệu đồng/vé (tương đương 56,7% mức giá tối đa là 4 triệu đồng); Vietjet Air có giá dao động từ 1,4-2 triệu đồng (bằng 34,8-51% giá tối đa).
Đáng lưu ý, nếu đặt vé cho ngày bay xa hơn, các hãng hàng không tung ra nhiều mức giá thấp để hành khách có nhiều lựa chọn. Nhờ đó, trong tháng 7, giá vé nói chung trên các chặng bay chỉ bằng 20-70% mức giá tối đa. Nếu hành khách bay trước 6h và sau 21h, giá vé khá rẻ chỉ dưới 2 triệu đồng cho các chặng từ Hà Nội và TP.HCM đi Đà Nẵng, Nha Trang,...
Đó là bởi vừa qua, Vietnam Airlines đã tăng cường 2.000 chuyến bay vào khung giờ muộn từ sau 21h hàng ngày; các chuyến bay đêm của Vietjet cũng tăng xấp xỉ 46% so với thường lệ, tăng tải cung ứng trên các chặng bay nóng, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách vào dịp cao điểm hè.
Nhiều khách chấp nhận bay giờ không đẹp, đến khách sạn lúc gần nửa đêm, về nhà khi trời gần sáng, để tiết kiệm chi phí.
Phát biểu tại hội thảo “Hàng không - Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho rằng, hội thảo được tổ chức đúng thời điểm giá vé máy bay tăng cao, cả ngành hàng không và du lịch đang gặp nhiều khó khăn. Đây là cơ hội để các bên liên quan tìm kiếm giải pháp, đề xuất những cơ chế chính sách mới hỗ trợ ngành hàng không, du lịch phát triển bền vững.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trước khi tìm giải pháp để tăng cường liên kết, hợp tác giữa hai ngành này, phải tìm được cơ chế kiểm soát trong chính nội bộ ngành. Điều này rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Bộ GTVT và Bộ VH-TT-DL, cùng các tổ chức xã hội, nghề nghiệp liên quan.
Thiên Trường (t/h)