Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp là rất lớn
Trong tháng những tháng đầu năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp không thể trả nợ các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn, phải “khất nợ” với nhà đầu tư, lùi thời điểm thanh toán.
![Ảnh minh họa, nguồn internet Ảnh minh họa, nguồn internet](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/02/16/pl-1676510555.jpg)
Cụ thể, vừa qua, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu hơn 181 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01, phát hành ngày 30/12/2017 và đáo hạn vào ngày 30/12/2022 (kỳ hạn 05 năm). Lô gồm 134 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng huy động 134 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán lãi 06 tháng/lần.
Theo văn bản công bố, DLG còn phải thanh toán tiền gốc hơn 117 tỷ đồng, lãi hơn 64 tỷ đồng, tổng cộng hơn 181 tỷ đồng. Công ty cho biết đang đàm phán và thỏa thuận với trái chủ để gia hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi theo quy định của pháp luật. Về nguyên nhân chậm thanh toán, DLG cho biết, do ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời lãi suất tăng cao, tín dụng siết chặt… dẫn đến dòng tiền còn hạn chế, chưa đáp ứng theo kế hoạch thanh toán nợ.
Các chuyên gia của FiinRatings cho rằng, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ước tính đáo hạn TPDN riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 và 341.270 tỷ đồng.
“Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 03 năm và có dòng tiền yếu”, chuyên gia của FiinGroup nhận định.
Cần một chương trình hoãn nợ
Theo đề xuất của một số chuyên gia kinh tế, cần một chương trình hoãn nợ quốc gia để khắc phục tình trạng "khát vốn" của doanh nghiệp, giải quyết vấn đề dòng tiền, giúp doanh nghiệp phục hồi, duy trì hoạt động và tái đầu tư, sản xuất trong vòng từ 01-02 năm tới.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, tình trạng chậm trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp còn tiếp diễn bởi khối lượng trái phiếu đáo hạn năm nay là rất lớn. Dù nhiều doanh nghiệp nỗ lực bán tài sản để thanh toán nợ cho trái chủ và đàm phán gia hạn kỳ hạn trả nợ, song với tình hình thị trường bất động sản hiện nay, việc bán tài sản cũng không dễ.
Để giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, trong khi nguồn lực tài chính còn hạn chế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà phát hành cần ngồi lại với các trái chủ và thông báo tình trạng thực tế của doanh nghiệp, kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp, kế hoạch trả nợ và tăng quyền lợi cho các trái chủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên thương lượng để nhờ ngân hàng bảo lãnh, dù cửa này rất hẹp.
“Đối với những doanh nghiệp có thể trả một phần nợ trái phiếu trước hạn hoặc có tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì nên để các trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, các nhà phát hành có thể bán lại tài sản cho các trái chủ với mức chiết khấu sâu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, Chính phủ nên có chương trình “hoãn nợ”. Đây là một chương trình hoãn nợ quốc gia dành cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản đúng với quy định của pháp luật được hoãn nợ trong vòng 01 - 02 năm. Bên cạnh đó, trong thời gian hoãn nợ, các nhà đầu tư, các trái chủ không được đưa họ ra tòa để khởi kiện, để tòa án áp dụng Luật phá sản.
“Chính phủ cần phải có những biện pháp mạnh như vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, TS. Hiếu đề xuất.
Lê Pháp (T/h)