Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo gửi Quốc hội báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, trong đó chỉ ra nhiều vấn đề khi thực hiện kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty và Công ty.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2021, đơn vị này đã kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước năm 2020 của 73 doanh nghiệp thuộc 16 Tập đoàn, Tổng công ty và công ty.
Theo báo cáo này, 15 trong số 16 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của nhiều đơn vị ở mức cao, như: PVGas là hơn 8.169 tỷ đồng, VNPT trên 5.719 tỷ; MobiFone 3.819 tỷ đồng... Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn bị thua lỗ, mất vốn.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư bị thua lỗ…
Trong báo cáo, Kiểm toán cũng nêu tên một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thua lỗ lớn; một số khoản đầu tư của tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn; chưa nộp kịp thời tiền thu về cổ phần hóa. Đơn cử như:
Công tykhông có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn như: Công ty mẹ - Vinachem; Công ty mất cân đối tài chính VNS: Công ty mẹ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSteel.
Một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thua lỗ lớn như Công ty mẹ - Vinachem với 05/22 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2020 là 15.473,64 tỷ đồng và 01 công ty con đang dừng hoạt động.
Được biết, VNS: Công ty mẹ (có 04 công ty con, 05 công ty liên kết và 03 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 898,88 tỷ đồng, trong đó 02 đơn vị đang tạm dừng hoạt động); Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (có 03 công ty con, liên kết không hoạt động, không có khả năng phục hồi sản xuất);
Hiện tại, Công ty mẹ - PVGAS với 02/06 công ty con lỗ lũy kế 602,37 tỷ đồng. Công ty mẹ - Petrolimex với Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào lỗ lũy kế 114,82 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 57 tỷ đồng.
Còn Tổng công ty Điện lực TKV với Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ lũy kế 1.771,1 tỷ đồng; Công ty mẹ - VNPT với 02 công ty con, liên doanh lỗ lũy kế 78,8 tỷ đồng; PVCFC với Công ty CP Bao bì Dầu khí Việt Nam lỗ năm 2019 và năm 2020 là 8,6 tỷ đồng.
… Đến mất vốn
Tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước cũng nêu rõ nhiều Tập đoàn, Tổng công ty đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Trong đó phải kể đến như: PVFCCo, HUD, PV Gas, VNPT…
Cụ thể, tại Công ty mẹ - PVFCCo có 02/03 công ty liên kết lỗ lũy kế tại 31/12/2020 là 6.474,84 tỷ đồng, 01/02 khoản đầu tư dài hạn khác lỗ năm 2020 là 45,47 tỷ đồng.
Tại Công ty mẹ - HUD có 04/05 công ty liên kết, đầu tư khác lỗ năm 2019 và năm 2020 là 55,49 tỷ đồng; Vinachem: Công ty mẹ có 02/09 công ty liên kết lỗ lũy kế 123,69 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam có 02/05 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 95,25 tỷ đồng, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ có 01 khoản đầu tư phải trích lập dự phòng 9,83 tỷ đồng.
Tại Công ty mẹ - PVGAS có 01/02 công ty liên kết lỗ năm 2020 là 47,41 tỷ đồng; Petrolimex: TCT Gas Petrolimex – CTCP (01 khoản), Petajico Hà Nội - TCT Dịch vụ Xăng dầu Petrolimex (2 khoản), TCT Hóa dầu Petrolimex – CTCP (1 khoản), Công ty CP Vận tải Xăng dầu Vipco - TCT Vận tải thủy Petrolimex (4 khoản) phải trích lập dự phòng tổng cộng 132,37 tỷ đồng; Công ty mẹ - VNPT với 2 khoản đầu tư tại các đơn vị đang trong quá trình giải thể, phá sản tiềm ẩn rủi ro mất vốn.
HUD: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng với ngành nghề kinh doanh chủ yếu là đầu tư phát triển các khu đô thị mới và nhà ở, kinh doanh bất động sản.
Được biết, Chủ tịch HĐTV đương nhiệm của HUD là ông Nguyễn Việt Hùng; Các thành viên HĐTV gồm các ông: Đỗ Hoài Đông, Nguyễn Tuấn Anh, Phan Trường Sơn, Nguyễn Ngọc Cương
Vinachem: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) là doanh nghiệp đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chi phối, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, được thành lập theo Quyết định số 2180 TTg ngày 23/12/2009 của Thủ tướng Chính Phủ trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Tổng công ty Hóa chất Việt Nam.
Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; ngoài Văn phòng và các ban chức năng còn có 02 đơn vị hạch toán phụ thuộc là Trung tâm Thông tin KHKT Hóa chất và Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Hóa chất.
Trên trang web chính thức của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có lời giới thiệu: “…Mục tiêu hoạt động của VINACHEM thể hiện rõ qua 3 tiêu chí: Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại VINACHEM và vốn của VINACHEM đầu tư vào các doanh nghiệp khác…”.
Tuy nhiên, qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có thể thấy có 2/9 công ty liên kết lỗ lũy kế lên tới 123 tỷ đồng; 5/22 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2020 là 15.473,64 tỷ đồng và 01 công ty con đang dừng hoạt động. Vậy, lời giới thiệu của Vinachem là “kinh doanh có lãi” dường như chưa thể thực hiện được.
Và bị kiểm soát đặc biệt
Các doanh nghiệp bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt như VNS: Công ty CP Thép tấm miền Nam, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSteel, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Tư vấn MDC – VNSteel, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty CP Tân Thành Mỹ, Công ty TNHH Natsteelvina.
Vì sao nhiều doanh nghiệp đầu tư bị thua lỗ, mất vốn thậm chí có doanh nghiệp bị kiểm soát đặc biệt?
Theo kết quả kiểm toán, một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, kế hoạch sử dụng dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.
Trong đó, ở PVGAS, công ty mẹ chưa cân đối dòng tiền từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày đáo hạn khi xây dựng kế hoạch dòng tiền tháng/quý; Công ty mẹ, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam, Công ty CP CNG Việt Nam để số dư tiền gửi không kỳ hạn vượt định mức, chuyển tiếp cùng kỳ hạn nhiều hợp đồng tiền gửi từ 03 đến 9 tháng.
Còn Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam và Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
Tại VNPT, Công ty mẹ gửi số tiền lớn nhiều kỳ hạn ngắn liên tiếp (gửi 10.700 tỷ đồng kỳ hạn 6, 7, 8 tháng và tiếp tục gửi kỳ hạn 4, 5, 6 tháng; gửi 960 tỷ đồng 2 lần kỳ hạn 06 tháng…), VNPT Vinaphone chưa gửi có kỳ hạn tiền chênh lệch thu chi hàng ngày.
Công ty mẹ - VNS duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao (trên 63 tỷ đồng/ngày, giai đoạn 12/10/2020 đến 28/12/2020 trên 152 tỷ đồng/ngày), chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
Còn tại Vinachem, Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển chưa xây dựng tiêu chí lựa chọn ngân hàng, chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
Kiểm toán Nhà nước cũng nêu ra một số doanh nghiệp quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Tại Công ty mẹ - MobiFone có 724,21 tỷ đồng, phần lớn là khoản công nợ của khách hàng cá nhân; PVGAS: Công ty mẹ 568,78 tỷ đồng, Công ty CP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam 16,16 tỷ đồng; VNPT Vinaphone (Ban Khách hàng Tổ chức doanh nghiệp) 35,55 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp, bảo lãnh hoặc ký hợp đồng với khách hàng chưa chặt chẽ; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ, trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định...
Còn một số công trình xây lắp hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán như Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 3 là 46,64 tỷ đồng (Công trình Hệ thống thoát nước Bắc Ninh 15,98 tỷ đồng, Công trình Phần thô nhà công vụ cơ khí Quang Trung 24,73 tỷ đồng, Công trình Hạ tầng cụm KCN Đồng Mai 0,32 tỷ đồng, Công trình Kết cấu và hoàn thiện hỗn hợp tòa nhà HH1 Chúc Sơn 5,61 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Dịch vụ nhà ở và khu đô thị 1,02 tỷ đồng (Công trình Lô cây xanh CX 06 tại Khu đô thị mới Việt Hưng 0,81 tỷ đồng, Công trình Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Phú Mỹ 0,21 tỷ đồng).
Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2021-2025”.
Trong quyết định này nêu rõ, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ. Xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước.
Đáng chú ý, về các giải pháp được đưa ra, đề án này yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn, bảo đảm các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng doanh nghiệp, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho Nhà nước và xã hội.
Đề án nêu trong giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu nộp ngân sách Nhà nước tối thiểu 248.000 tỷ đồng từ cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.
Lê Pháp (T/h)