Dự kiến tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 11/2022, diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” sẽ gồm 3 hoạt động chính. Hội thảo với chủ đề “Chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề như: Vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những nội dung cơ bản của chấn hưng văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của Việt Nam và quốc tế về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19…
Trong khuôn khổ diễn đàn, các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam (do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn) sẽ tham gia buổi lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Chứng nhận này có giá trị 3 năm kể từ ngày được công nhận. Thời hạn doanh nghiệp nộp hồ sơ đến hết ngày 30/9/2022.
Ngoài ra, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ gặp mặt đoàn đại biểu doanh nghiệp, gồm các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam năm 2021 và năm 2022, cùng với một số doanh nghiệp đã có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” trong thời gian qua.
Đại diện Ban tổ chức Diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết các hoạt động của Diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Phát biểu về việc tổ chức diễn đàn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, văn hoá đang là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước hiện nay. Vì thế, việc tổ chức các diễn đàn liên quan đến văn hoá với mỗi chủ đề khác nhau rất ý nghĩa, đây được xem như là hành động cụ thể để phát triển văn hoá, là nguồn động viên, chất xúc tác để các lĩnh vực khác có bước phát triển, tạo ra môi trường văn hoá lành mạnh.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, điều chúng ta đang thiếu hiện nay là sự kết hợp văn hoá với phát triển kinh tế. Do đó, làm thế nào để có nền văn hoá thích ứng với nền kinh tế thị trường rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, để có nền kinh tế thấm đẫm văn hoá. "Thời gian tới, chúng tôi mong các doanh nghiệp đưa được các giá trị văn hoá vào hoạt động kinh doanh, để văn hoá, kinh tế hoà quyện, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của đất nước", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Trúc Mai