Tại cuộc gặp mặt nhân Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ hồi giữa năm 2022, Thủ tướng Hun Sen đã trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức Campuchia. Ảnh: Nhật Bắc
Tại cuộc gặp mặt nhân Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ hồi giữa năm 2022, Thủ tướng Hun Sen đã trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức Campuchia. Ảnh Nhật Bắc.

Đây là sự kiện quan trọng trong chuyến thăm lần này và là hoạt động đầy ý nghĩa trong: “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022” nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại - một trong những trụ cột chính, ưu tiên trong hợp tác toàn diện giữa hai nước. Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Việt Nam Campuchia 2022 được tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia.

Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Sen sẽ tham dự và phát biểu kết luận, chỉ đạo một số nội dung cốt lõi và gợi mở thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư trong thời gian tới, tạo sung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.

Tại diễn Diễn đàn, các đại biểu sẽ tập trung vào việc đánh giá kết quả đã đạt được, những hạn chế trong đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Campuchia; giới thiệu cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài của Campuchia; định hướng và giải pháp mới trong hợp tác đầu tư giữa hai nước; giải đáp vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư và các khó khăn của doanh nghiệp đang đầu tư và kinh doanh thương mại tại Campuchia.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Diễn đàn này, cũng diễn ra các hoạt động trưng bày các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp hai nước và hoạt động kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp.

Về kết quả hợp tác đầu tư giữa hai nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Campuchia là một trong các địa bàn đầu tư ra nước ngoài sớm nhất của Việt Nam. Kể từ khi có dự án đầu tiên sang Campuchia vào năm 1999, đến nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện đầu tư, kinh doanh thành công tại đất nước Chùa Tháp. Sau Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam - Campuchia lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2009, đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đã có sự gia tăng nhanh chóng. Đến nay, Việt Nam đã có 201 dự án đầu tư tại Campuchia với tổng vốn đăng ký là 2,93 tỷ USD, tăng 6 lần về số dự án và 16 lần về vốn đầu tư so với năm 2009.

Campuchia là địa bàn lớn thứ 02 trong số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam luôn duy trì vị trí hàng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia.

Nhiều dự án hiện nay đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội Campuchia, nộp ngân sách lớn, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương, được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương Campuchia ghi nhận và đánh giá cao.

Ở chiều ngược lại, Campuchia hiện có 28 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đạt trên 70 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, vận tải kho bãi, thương mại. Các doanh nghiệp Campuchia được các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Về thương mại, theo Bộ Công Thương, hợp tác thương mại giữa hai nước thời gian qua đã có sự phát triển vượt bặc. Việt Nam hiện là một trong ba đối tác thương mại lớn nhất của Capmuchia. Năm 2021, tổng kinh ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 9,54 tỷ USD (tăng 79,1% so với năm 2020), 09 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021) và nhiều khả năng sẽ vượt qua mốc 10 tỷ USD ngay trong năm 2022.

Cũng theo Bộ Công Thương, hai bên đã dần đạt mức cân bằng về xuất nhập khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu của Campuchia sang Việt Nam đã tăng mạnh trong thời gian qua với những mặt hàng chủ lực như hạt điều, cao su,...

Hải Minh