THCL Thay đổi nhân sự cấp cao, cổ đông lớn rục rịch thoái vốn, lợi nhuận sa sút, giá cổ phiếu giảm sâu… là bề nổi những gì đang xảy ra ở Eximbank. Vậy còn "phần chìm của tảng băng" là gì mà khiến giá cổ phiếu lại mất tới gần 14,4%?
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) đang đối mặt với nhiều sóng gió sau thương vụ sáp nhập với Sacombank bất thành. Cuộc thanh tra đột xuất hồi tháng 4/2015 vừa qua vẫn còn là ẩn số lớn về tình hình hoạt động của nhà băng này.
Từ những giao dịch "khủng"
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu EIB liên tục giảm sâu, từ mức 13.900 đồng (giá cao nhất trong 9 tháng qua) xuống mức 11.900 đồng/CP chốt phiên ngày 28/9/2015, tức thị giá cổ phiếu giảm tới 14,4% so với đầu năm 2015. Giá trị vốn hóa của Eximbank từ mức cao nhất là 17.089 tỷ đồng đã "bốc hơi" liên tục, xuống mức thấp nhất còn 11.138 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh èo uột của Eximbank năm 2014 và nửa đầu năm 2015 đã lập tức phản ánh vào giá cổ phiếu với xu hướng lao dốc liên tục, không có động thái "đỡ" giá. Nhưng, đáng chú ý nhất là những giao dịch thỏa thuận với khối lượng "khủng" lên tới vài chục triệu đơn vị mỗi phiên.
Cụ thể, phiên ngày 23/1/2015, có hơn 60 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận với giá trị 781 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận bình quân chỉ 13.000 đồng/CP, thấp hơn giá khớp lệnh 13.400 đồng/CP. Tiếp đó, ngày 26/1, hơn 35 triệu cổ phiếu "sang tay" thỏa thuận với giá trị 457 tỷ đồng, tương ứng giá thỏa thuận bình quân 13.057 đồng/CP, khá rẻ so với mức giá khớp lệnh 13.800 đồng/CP.
Thị giá cổ phiếu của Eximbank giảm tới 14,4% so với đầu năm 2015
Ngày 17/3, dù giá khớp lệnh là 16.106 đồng/CP, nhưng khoảng 10,95 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận ở mức bình quân 12.297 đồng/CP (giá khớp lệnh 13.100 đồng/CP), tương ứng giá trị 134,65 tỷ đồng.
Đến ngày, thị trường lại ngạc nhiên khi có hơn 8,09 triệu EIB được giao dịch thỏa thuận ở mức giá bình quân 13.881 đồng/CP, cao hơn mức giá khớp lệnh khi ấy chỉ là 12.700 đồng/CP.
Phiên giao dịch ngày 20/4, có khoảng 25,62 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thỏa thuận với giá trị 340,7 tỷ đồng (giá thỏa thuận 13.298 đồng/CP cao hơn 400 đồng so với giá khớp lệnh).
Các phiên giao dịch cổ phiếu EIB có vẻ lặng sóng, nhưng đến ngày 10 và 13/7 lại "bùng" nổ giao dịch với tổng khối lượng tới 52,13 triệu đơn vị, trong đó có hơn 40 triệu cổ phiếu là giao dịch thỏa thuận. Giá cổ phiếu ở hai phiên này tăng mạnh từ 14.000 đồng lên 14.900 đồng/CP. Song, giá thỏa thuận chỉ ở mức 13.100 đồng/CP…
Ngoài ra, các phiên giao dịch khác cũng ghi nhận khối lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận trên 1 triệu đơn vị, hoặc khớp lệnh đến 7,3 triệu đơn vị (giá trị 86,6 tỷ đồng) như phiên ngày 18/8.
Như vậy, chỉ riêng khối lượng các phiên giao dịch thỏa thuận lớn nêu trên ước chừng khoảng 180 triệu đơn vị, chiếm tới 14,57% vốn điều lệ ngân hàng. Nếu tính cả những giao dịch thỏa thuận nhỏ lẻ diễn ra rải rác trong suốt 9 tháng qua thì tỷ lệ chiếm tới hơn 20% vốn ngân hàng.
Ai đang dìm giá cổ phiếu?
Danh tính các nhà đầu tư, cổ đông "ôm" cổ phiếu EIB không được công bố, song sự xuất hiện bất ngờ của nhóm cổ đông đến từ Ngân hàng NamABank cũng là một khả năng lý giải hiện tượng trên. Hai đại diện đến từ NamABank có sở hữu và đại diện sở hữu trên 20,4% vốn điều lệ Eximbank, đồng thời cũng là hai ứng viên chạy đua vào HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2015-2020.
Kết quả kinh doanh năm 2014 của Eximbank chỉ lãi vỏn vẹn 56 tỷ đồng, khiến cho cổ đông, nhà đầu tư ngao ngán, dẫn tới giá cổ phiếu giảm sàn. Thế nhưng, trong 6 tháng đầu năm nay, ngân hàng đã cải thiện đáng kể tình hình cho vay, huy động vốn, xử lý nợ xấu. Đến hết 30/6, lũy kế lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch cả năm.
Dù nợ xấu vẫn còn đáng lo, nhưng Eximbank đang cho thấy nỗ lực xử lý thu hồi, bán nợ cho VAMC quyết liệt hơn. Trong 6 tháng, ngân hàng đã bán được 1.526 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC (chiếm 76% kế hoạch), nâng tổng số nợ bán đi lên 5.938 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng thu hồi được 550 tỷ đồng từ nợ đã bán cho VAMC và mục tiêu sẽ thu hồi được thêm 500 tỷ đồng nửa cuối năm nay.
Trái ngược với những thông tin tích cực về hoạt động kinh doanh, cổ phiếu EIB vẫn liên tục lao dốc, mất giá như "ngựa bất kham". Không có đội lái đỡ giá, giá cổ phiếu EIB cứ đều đặn giảm sàn và nhà đầu tư cũng lặng lẽ "ôm" cổ phiếu với giá hời.
Trong cơ cấu cổ đông Eximbank, hiện còn các cổ đông lớn như: Vietcombank sở hữu 8,19% vốn, Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) sở hữu 15%, ông Phạm Hữu Phú nắm 8,13%, ông Lê Minh Quốc đại diện tổ chức nắm hơn 10,229%…
Trong số này, dù Vietcombank đang lên kế hoạch thoái vốn tại một vài tổ chức tín dụng (có phần vốn tại Eximbank), nhưng mới đây lại tạm hoãn. Về sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông NamABank, cuộc thanh tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng xem xét, làm rõ để ngăn chặn sở hữu chéo, vốn ảo. Nhưng đến nay, NHNN vẫn chưa công bố kết quả thanh tra.
Theo Thời báo Kinh Doanh