Thông tin tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực Châu Âu diễn ra tại Italia, ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết: Năm 2024, Việt Nam có nhiều tín hiệu cho thấy sự phục hồi tích cực khi xuất khẩu quý I ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023; đồng thời các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận sự phục hồi, quay trở lại đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc; một vài nền kinh tế lớn như Anh và Nhật Bản cho thấy sự suy thoái kỹ thuật trong khi bất động sản thương mại toàn cầu đi vào giai đoạn khó khăn khi nhiều khoản nợ đến hạn tái cấu trúc. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai vẫn tiềm ẩn rủi ro phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương định hướng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới như sau:

Về mặt hàng xuất khẩu: 6 tháng cuối năm 2024, tập trung thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng đang có triển vọng phục hồi như dệt may, da giày, túi xách thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, .… Sau đó, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng bám sát quan điểm Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 gồm: Các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường, … của thị trường nhập khẩu. Thêm vào đó, tập trung xúc tiến xuất khẩu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm doanh nghiệp trong nước có lợi thế như: Sản phẩm nông sản, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Về thị trường xuất khẩu: Bên cạnh việc tiếp tục khai thác, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, đối tác của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cần lên kế hoach, xây dựng phương án tiếp cận các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi và Nam Mỹ.

Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đề nghị:

Các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin tới các doanh nghiệp xuất khẩu, các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Tính tới nay, Việt Nam đã kí kết và đưa vào thực thi 16 FTA – mở ra các khu vực thị trường rộng lớn. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán 3 FTA với các khu vực thị trường mới: FTA Việt Nam - EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); FTA ASEAN – Canada; Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) Việt Nam - Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Đồng thời, công tác tổ chức thực thi, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về các ưu đãi của các FTA tiếp tục được quan tâm, đổi mới về hình thức nhằm mục tiêu tiếp cận nhiều hơn các doanh nghiệp.

Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Phát triển dịch vụ logistics tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; tập trung hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Về công tác xúc tiến, Chánh Văn phòng đề nghị các cơ quan đại diện tiếp tục nghiên cứu, kết nối cung cầu hàng hóa xuất khẩu của ta với thị trường ngoài nước tiến tới xây dựng hồ sơ thị trường và ngành hàng trong đó xác định các mặt hàng tiềm năng và các yêu cầu của thị trường, danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.

Ngoài ra, việc xúc tiến nhập khẩu cũng cần được quan tâm: Các đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành hàng trong thống kê nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước cũng như thống kê nguồn cung tại nước sở tại để kết nối cung - cầu.

Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế mong muốn với sự am hiểu về thị trường, tập quán, các cơ quan đại diện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng các phương án tiếp cận thị trường bền vững hơn, hiệu quả hơn, không chỉ tập trung về lượng mà còn về chất trong đó tập trung xây dựng thương hiệu của các sản phẩm Việt Nam tại thị trường đối tác. Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng Trịnh Minh Anh đề nghị các Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp xây dựng kênh thông tin để cập nhật thường xuyên các vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại tại thị trường sở tại và hỗ trợ xác minh thông tin doanh nghiệp.

Minh Anh(t/h)