Theo bà, doanh nghiệp cần thông qua kênh nào để tiếp xúc được đến người mua hàng Trung Quốc đáng tin cậy mà không phải xuất hàng tiểu ngạch?
Hình ảnh chúng ta hay bắt gặp tại cửa khẩu là hàng đoàn xe tải phải xếp hàng chờ làm thủ tục qua biên giới. Đây là sự bất lợi của doanh nghiệp Việt Nam khi không xuất khẩu bằng con đường chính thức.
Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin và nên thông qua các hiệp hội, trung tâm xúc tiến thương mại trong nước, vì đã có các đầu mối bên Trung Quốc là những đơn vị chính quyền địa phương ở bên đó. Họ là những người đảm bảo cho các doanh nghiệp tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia vào một số hiệp hội, ngành nghề của Việt Nam. Đây là những đầu mối quan trọng mỗi khi có sự kiện lớn.
Trước đây tôi quản lý một dự án USAID của Mỹ hỗ trợ và kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào Việt Nam. Việc đầu tiên của tôi khi làm một sự kiện là phải tìm đến các hiệp hội để họ đứng ra thay mặt cho dự án, dự án không làm mà chỉ tài trợ tiền để các hiệp hội đứng ra làm đầu mối kết nối các doanh nghiệp.
Ví dụ, với ngành hoa quả thì sẽ kết nối với hiệp hội thực phẩm minh bạch, chúng tôi mời họ đứng ra làm đầu mối kết nối tất cả những doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Về phía đối tác nước ngoài khi dự án chúng tôi làm việc hay với Cục Xúc tiến Thương mại, thì họ đã có quan hệ đầu mối với các chính quyền địa phương, hoặc các đầu mối thương vụ Việt Nam tại các tỉnh đó. Khi cung cấp thông tin thì các doanh nghiệp đều được kiểm chứng, như vậy chúng ta hoàn toàn yên tâm hợp tác.
Khi doanh nghiệp Việt Nam có các đối tác lẻ bên ngoài mà chưa biết thông tin thì có thể nhờ vào các đơn vị của Chính phủ Việt Nam xin được phép xác minh. Như Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương có thương vụ ở nhiều nước trên thế giới, có nhiều đầu mối tại nhiều quốc gia. Đây là cơ quan giúp doanh nghiệp thẩm định các đối tác ở nước ngoài chính xác nhất. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần tìm đến những địa chỉ này để tham vấn thông tin.
Bà có thể chia sẻ thông tin về một số dự án, chương trình hỗ trợ cho các DNNVV thời gian qua?
Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do USAID tài trợ (USAID LinkSME), dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC)… là những dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.
Đơn cử, với dự án USAID IPSC mục tiêu trong 05 năm tới phải hỗ trợ được 60 doanh nghiệp mang thương hiệu “Made by Việt Nam”. Điều này có nghĩa, nếu là doanh nghiệp mạnh thì nên tiếp cận dự án để dự án này mang sản phẩm đi xúc tiến khắp thế giới và quảng bá thương hiệu “Made by Viet Nam”. Họ cũng có tiêu chí phải giúp đỡ được 250 doanh nghiệp đang xuất khẩu hay tìm kiếm các thị trường mới.
Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng các cơ hội này, thưa bà?
Chúng ta đang có tâm lý xin-cho, trong khi dự án được chính phủ hai nước tài trợ thì họ có nhiệm vụ phải hỗ trợ doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam chưa biết khai thác việc này, khi dự án có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, thậm chí họ còn được quyền thuê các chuyên gia từ Mỹ, EU vào giúp các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tốt hơn.
Qua đây cho thấy, các doanh nghiệp Việt vẫn ở tâm thế đi xin, trong khi những việc đó chúng ta hoàn toàn được hưởng, các doanh nghiệp chưa khai thác ưu đãi này một cách tốt nhất để sử dụng nó thành của mình.
Vậy, doanh nghiệp sẽ phải tìm hiểu các nguồn thông tin của các dự án, chương trình hỗ trợ từ đâu, thưa bà?
Doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin tại cổng thông tin business.gov.vn, đây là cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cổng này sẽ cung cấp tất cả các thông tin cho doanh nghiệp về các dự án ở Việt Nam đang hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có những thông tin chi tiết như dự án này bao nhiêu tiền, hỗ trợ những cái gì, như thế nào…
Với những doanh nghiệp do nữ làm chủ thì nên quan tâm đến cổng thông tin we. business.gov.vn. đây là cổng cung cấp thông tin các dự án, chương trình hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nữ. Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam nên biết tận dụng các nguồn lực sẵn có, không phải nhận tiền mới là tài trợ. Các dự án hỗ trợ mang đến kiến thức mà doanh nghiệp Việt Nam đang cần.
Cụ thể, với dự án USAID LinkSME sau khi tìm được người mua và họ đặt ra một số các tiêu chí, chúng tôi sẽ tìm một số doanh nghiệp trong nước nếu chưa đạt chuẩn với bên mua thì chúng tôi sẽ cử một đội, nhóm đến đánh giá doanh nghiệp yếu khâu nào, cần nâng cấp cái gì…
Sau khi được dự án hỗ trợ, dự án sẽ thuê chuyên gia, như chuyên gia nguyên phụ liệu đầu vào, chuyên gia về dây chuyền máy móc thiết bị, chuyên gia marketing… đến hỗ trợ nâng cấp để đạt chuẩn với bên mua. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần đặt vấn đề với chúng tôi là cần cái gì và muốn hỗ trợ như thế nào.
Trân trọng cảm ơn bà!
Đoàn Huế (thực hiện)