Tiềm năng điện gió ở Việt Nam là rất lớn
Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) đánh giá, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về điện gió ngoài khơi với 160.000 MW tiềm năng kỹ thuật có thể tận dụng được. Cũng bởi tiềm năng này mà số lượng nhà đầu tư quan tâm tới điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đã lên tới khoảng 20 GW.
Theo nhận định của chuyên gia năng lượng Trần Viết Ngãi, Việt Nam có thế mạnh đặc biệt trong phát triển điện gió ngoài khơi: “Với lợi thế là bờ biển dài hơn 3.200 km, lưu vực biển rất rộng, khắp cả 3 miền Bắc - Trung - Nam... Việt Nam ở hướng Đông Nam và hướng Đông, quanh năm sóng vỗ vào bờ, tiềm năng điện gió ngoài khơi Việt Nam là số 1 trên thế giới”.
Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng phong điện ngoài khơi của Việt Nam có thể lên tới 500 GW – gấp hơn 800 lần so với công suất lắp đặt 0,6 gigawatts hiện nay. Để tham khảo, Đức - quốc gia đi đầu với vị thế vững chắc trong lĩnh vực phong điện - hiện có khoảng 62 GW công suất lắp đặt phong điện, trong đó gồm 8 GW là phong điện ngoài khơi.
Gần đây nhất, báo cáo với tiêu đề “Đón gió: Cơ hội Năng lượng tái tạo cho Việt Nam” nghiên cứu tiềm năng to lớn của gió với tư cách một nguồn năng lượng tái tạo thay thế, đồng thời lý giải vì sao đây có thể là thời điểm phù hợp để các nhà đầu tư và phát triển năng lượng gió tìm hiểu và khai thác cơ hội tại Việt Nam.
Báo cáo phân tích rõ, thị trường Việt Nam có những yếu tố thuận lợi để các nhà đầu tư và nhà phát triển điện gió có thể tìm được nhiều cơ hội lớn.
Cụ thể, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể để mở rộng năng lượng tái tạo, bổ sung thêm gần 10 gigawatts công suất năng lượng tái tạo kể từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, than đá vẫn chiếm hơn 50% công suất năng lượng được bổ sung trong cùng kỳ.
Đại đa phần công suất năng lượng tái tạo mới bổ sung là năng lượng mặt trời – nhưng điện gió đang có dư địa tăng trưởng lớn như một lựa chọn thay thế với khả năng nhân rộng quy mô. Việc phát triển các dự án phong điện tại Việt Nam được ủng hộ mạnh mẽ, nhờ Chính phủ chú trọng đến năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển điện quốc gia và phát huy thành công của điện mặt trời.
Bên cạnh tiềm năng tự nhiên cho điện gió, Chính phủ cũng đang thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc phát triển điện gió. Đơn cử, việc ban hành biểu giá bán điện năng (FIT) cho các dự án điện gió từ năm 2021 đến cuối năm 2023 cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ, đồng thời góp phần giảm rủi ro tài chính cho các dự án điện gió để có thể nghiệm thu đưa vào vận hành trước thời hạn mới.
Điện gió Việt Nam hút nhà đầu tư ngoại
Theo Tập đoàn Ngân hàng Thế giới (WBG), Việt Nam được coi là đối thủ tiềm năng lớn trong lĩnh vực này vì sức gió rất mạnh ở vùng nước nông gần các khu vực đông dân cư, vùng ven biển. Ba nguồn tin trong ngành cho biết nhà sản xuất tuabin Vestas (Đan Mạch) là một trong những nhà đầu tư tiềm năng. Các công ty đang tìm kiếm những địa điểm gần cảng nhưng các cuộc đàm phán với chính quyền địa phương và các khu công nghiệp vẫn đang ở bước đầu vì các nhà đầu tư đang chờ Chính phủ Việt Nam thông qua những quy định rõ ràng về trang trại điện gió ngoài khơi.
Nhiều khả năng các nhà sản xuất sẽ đặt trụ sở tại Việt Nam vì ưu thế về công nghiệp và vị trí gần với các thị trường điện gió ngoài khơi ở Đông Á. Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc khu công nghiệp DeepC, cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng các tập đoàn điện gió toàn cầu sẽ ra quyết định đầu tư trong năm 2023 để bắt đầu sản xuất các bộ phận của tuabin gió và Việt Nam có cơ hội tốt để đón nhận những khoản đầu tư này”.
Phát biểu bên lề hội nghị về điện gió tại Hà Nội ngày 23/02, ông Erik Kjaer - quan chức của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch - cũng nhận định: "Việt Nam có sản lượng thép lớn nên đầu tư vào Việt Nam là điều rất hợp lý vì thép vốn là vật liệu quan trọng để sản xuất tuabin”.
Lê Pháp (T/h)