THCL Trong 3.500 giấy phép con được cho là cần bãi bỏ để phù hợp với Luật Đầu tư 2014 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng kiến nghị bỏ ít nhất 6 giấy phép liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.
Giấy phép con làm khó doanh nghiệp kinh doanh vàng
Bản kiến nghị được Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cuối tháng 6 vừa qua nêu rõ: Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014 chỉ đề cập 3 ngành nghề liên quan đến vàng, bao gồm: “Kinh doanh mua, bán vàng miếng”, “Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng”, “Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ”, nhưng tại Điều 1, Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định tất cả các hoạt động kinh doanh vàng, đặc biệt có khái niệm “hoạt động kinh doanh vàng khác” là hết sức chung chung, trở thành rào cản lớn đối với DN. Vì vậy, VGTA cho rằng, các ngành, nghề kinh doanh còn lại theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP đang trái với Luật Đầu tư 2014.
Một trong những kiến nghị được giới kinh doanh vàng nhắc đến nhiều nhất chính là xem xét tính hợp pháp của việc huy động vàng trong dân của DN. Theo dẫn giải của VGTA, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với DN; Thông tư 11/2011/TT–NHNN cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các tổ chức tín dụng. Do đó, hoạt động huy động vàng của DN được điều chỉnh theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, Luật DN 2014 và Bộ luật Dân sự 2005. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đầu tư 2014, DN vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ-CP, bởi các DN chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi chứ không cho vay lại, không thu phí giữ hộ.
VGTA cho rằng, hoạt động vay vàng của DN chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và không phát sinh lợi nhuận nên không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam cũng đề nghị được “cởi trói” một số giấy phép con khác đang gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ của DN, như: Điều kiện vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo quy định, các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được vay vốn tín dụng khi có sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, trong hơn 4 năm qua, chưa có DN nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, điều kiện và thủ tục trình Thống đốc NHNN xin vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Đối với việc nhập khẩu vàng nguyên liệu và tạm nhập tái xuất, VATG đề xuất cho các DN được nhập khẩu theo kế hoach, không cần cấp phép mà chỉ phải báo cáo định kỳ với NHNN.
VGTA đã đề nghị cơ quan quản lý nhà nước xem xét, không nên coi hoạt động huy động vàng của DN là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt DN phải xin phép.
Theo Báo Công Thương