Mở cửa với nhiều nông sản Việt
Trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phía Trung Quốc cho biết, sẽ mở thị trường cho nhiều loại nông sản của Việt Nam như dừa tươi, sản phẩm trái cây đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, dược liệu Đông y có nguồn gốc thực vật, sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm…
Với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc có nhu cầu rất lớn với các loại nông sản, song những năm gần đây, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường này đã siết chặt, không còn là thị trường dễ tính.
Hiện hoạt động sản xuất mặt hàng nông sản được các địa phương, doanh nghiệp, nông dân… đưa vào quỹ đạo bài bản, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy cách, hình thức theo đúng yêu cầu đối với từng mặt hàng từ nhà nhập khẩu. Do đó, sản lượng các mặt hàng nhóm này xuất sang Trung Quốc không ngừng tăng.
Tính đến hết tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 56 tỷ USD hàng hóa, với 12 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Đáng chú ý, có 3 nhóm hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch tỷ USD là gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, rau quả.
Riêng rau quả là nhóm hàng có tăng trưởng ấn tượng nhất trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Kim ngạch xuất khẩu rau quả 11 tháng đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng tới 149% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng. Các mặt hàng này đã giúp mang về doanh thu vài tỷ USD, trong đó sầu riêng mang về tới 2,2 tỷ USD.
Mặt hàng vừa được xuất khẩu chính ngạch là dưa hấu. Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vừa được ký kết hôm 13/12/2023, là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.
Sớm có thêm mặt hàng tỷ USD
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 180 tỷ USD năm 2022, tăng 9 lần so với mức 20 tỷ USD năm 2008.
Cuối tháng 11, Công ty cổ phần Dinh dưỡng Avanest Việt Nam và Công ty cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa đã xuất khẩu thành công các lô hàng tổ yến sạch, yến hũ chưng sẵn và yến sào Sanvinest Khánh Hòa nguyên chất sang thị trường này theo Nghị định thư ký cuối năm 2022.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đánh giá, việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến.
Cả nước hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nuôi chim yến với trên 22.000 nhà yến, sản lượng tổ yến khoảng 150 tấn, trị giá trên 600 triệu USD. Nếu hoạt động đầu tư của doanh nghiệp tiếp tục gia tăng, ký kết được nhiều hợp đồng mới, khả năng tiến tới doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu mặt hàng này không quá xa.
Thời cơ cho nông sản Việt thăng hạng tại thị trường tỷ dân ngày càng rõ ràng hơn, bởi Trung Quốc đang mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Danh sách các mặt hàng gấp rút hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đang được 2 bên xử lý. Khi những mặt hàng nói trên sớm được ký nghị định thư với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 sẽ còn tăng mạnh.
"Nếu được mở cửa sớm từ đầu năm 2024, thì 3 mặt hàng quan trọng là sầu riêng cấp đông, dừa, bưởi có thể mang về 1 - 1,5 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) dự tính.
Sau kỳ tích của sầu riêng, trái dừa tươi dự kiến sớm mang về doanh thu hàng trăm triệu USD. Hiệp hội Dừa Việt Nam cho hay, khi được xuất khẩu chính ngạch, ngành dừa có thể mang về doanh thu rất đáng kể.
Cơ hội sẽ biến thành doanh thu ngoại tệ khi các ngành sản xuất được công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tăng năng suất, tăng sản lượng lẫn chất lượng, thỏa mãn được nhu cầu mà thị trường nhập khẩu đặt ra.
Dù Trung Quốc đã và sắp ký thêm nghị định thư cho nhiều mặt hàng nông sản Việt, nhưng thách thức đặt ra cho doanh nghiệp, nông dân trong nước là phải tuân thủ về vùng trồng, cơ sở đóng gói, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, đáp ứng toàn bộ hàng rào kỹ thuật… Chỉ một trong những tiêu chuẩn này chưa đạt, hàng hóa sẽ không được thông quan, khi đó sẽ là điểm trừ cho hàng Việt.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, chỉ có tổ chức sản xuất bài bản mới có thể đi đường dài, không chỉ sang Trung Quốc, mà với nhiều thị trường trên toàn cầu.
Hà Trần (t/h)