(THCL) _ Sau gần 2 thập kỷ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, song quy mô thị trường còn khá khiêm tốn. Mới đây, 7 DN ô tô trong nước cùng Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) lại kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ… xin được hưởng thêm nhiều ưu đãi về thuế và phí.

Nhiều chính sách hạn chế

Nhiều năm qua, các DN sản xuất lắp ráp trong nước đã cố gắng đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Năm 2010, tổng số tiêu thụ là 184.813 xe; năm 2011 là 181.545 xe; năm 2012 là 124.815 xe và năm 2013 là 153.199 xe, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa.

Tuy nhiên, các DN sản xuất ô tô trong nước lại cho rằng, trong quá trình phát triển còn tồn tại nhiều chính sách làm hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Chẳng hạn, các DN ô tô nội cho rằng, thuế NK phụ tùng và xe nguyên chiếc (trong các FTA), chính sách khuyến khích thị trường (tín dụng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ, phí cấp biển số…), chính sách khuyến khích đầu tư (Quyết định 12/2011/QĐ-TTg) còn hạn chế. Hiện tại, thuế NK phụ tùng còn bất hợp lý và thuế NK xe nguyên chiếc đang phải đối diện với việc công bố lộ trình điều chỉnh giảm trong các cam kết quốc tế từ năm 2015. Thuế tiêu thụ đặc biệt xe sản xuất trong nước và xe NK chưa hợp lý.

Do tính theo giá bán nên thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe sản xuất trong nước đang bị tính cao hơn 15% bởi phải chịu giá tính thuế, bao gồm cả chi phí vận chuyển, kho bãi, chi phí bán hàng và lợi nhuận. Chính sách khuyến khích đầu tư chưa đủ mạnh và rất khó áp dụng trong thực tiễn triển khai. Chưa lường hết được một số bất cập trong thực hiện chính sách, như hiện tượng gian lận trong NK phụ tùng và NK xe nguyên chiếc; các chính sách ưu tiên công nghiệp hỗ trợ chưa tiếp cận được DN…

Kiến nghị thêm ưu đãi

Vừa qua, VAMI cùng 7 thành viên là các nhà sản xuất ô tô trong nước đề nghị Chính phủ xem xét sớm ban hành một số ưu đãi cho các DN của mình.

Về thuế NK CBU, các DN đề nghị: Giữ trần thuế CBU NK xe nguyên chiếc trong các cam kết FTA, đặc biệt là trong các cam kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước trong liên minh thuế quan. Riêng lộ trình ATIGA là 50% đến 2016 và có thể giảm xuống 30% năm 2017; cần kiểm soát kê khai giá tính thuế đối với xe NK nguyên chiếc, tránh kê khai không đúng nhằm gian lận thuế.

Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt SCT, với xe con: cần giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt; với xe dưới 2.0 l ở mức 45%; các xe dung tích lớn hơn điều chỉnh tăng dần tới mức 80% giá tính thuế. Xin áp dụng thuế xe sản xuất trong nước có thể thấp hơn 15 - 20% so với xe NK để bảo vệ sản xuất trong nước giai đoạn đầu hội nhập (thuế suất áp dụng chung là 45%) và cần có chính sách hạn chế NK xe cũ đã qua sử dụng; đối với xe tải và xe bus: kiến nghị bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe bus nhỏ từ 16 - 24 chỗ, do đây là phương tiện phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Với thuế đất, đề nghị được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt về đầu tư, miễn trừ thuế đất cho các DN sản xuất xe tải, xe khách. Bên cạnh đó, các DN cũng đề nghị được giảm lệ phí trước bạ xuống mức 5 -7%.

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, xin được cho vay dài hạn (15 - 20 năm) lãi xuất từ 0 - 3% để đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ 50% chi phí chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho các dự án đã đầu tư sản xuất - lắp ráp ô tô bằng vốn Việt Nam (thành viên của VAMI). Về hoạt động đăng kiểm, đề nghị thúc đẩy Hiệp định Công nhận lẫn nhau (MRA) và hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật với các nước, đồng thời cơ quan đăng kiểm cần có giải pháp để rút ngắn thời gian đăng kiểm xe mới…

Với những đễ xuất và kiến nghị của các DN trực tiếp sản xuất - lắp ráp ô tô trong nước, Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam mong muốn Nhà nước sớm xem xét, giải quyết để các DN có thể tồn tại và phát triển sau năm 2018

Bùi Quyền